Đầu tháng 11-2019, 45 trường CĐ trên cả nước đã đồng loạt khai giảng các lớp đào tạo thí điểm chương trình CĐ chính quy chất lượng cao 22 nghề theo bộ chương trình chuyển giao từ Đức.
Sinh viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức thực hành nghề điện công nghiệp. Đây là nghề trường được Bộ LĐ-TB&XH chọn thí điểm tuyển sinh và đào tạo chương trình CĐ chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Đức
Theo đó, 22 nghề được Bộ LĐ-TB&XH chọn và giao các trường tổ chức tuyển sinh và đào tạo là các nghề có nhu cầu tuyển dụng cao trong lĩnh vực xây dựng, kỹ thuật, dịch vụ như kỹ thuật xây dựng, điều khiển tàu biển, khai thác máy tàu thủy, lắp đặt thiết bị cơ khí, công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại, gia công và thiết kế sản phẩm mộc, vận hành thiết bị chế biến dầu khí, vận hành máy thi công mặt đường, quản trị khách sạn… Ở chương trình này, sinh viên được học bằng tiếng Việt, tuy nhiên để đủ điều kiện tốt nghiệp, sinh viên phải học ngoại ngữ (có thể tùy chọn tiếng Anh hoặc tiếng Đức) đến khi kết thúc khóa học đạt được trình độ tối thiểu B1 theo khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung châu Âu hoặc tương đương. Tùy từng nghề, thời gian đào tạo có thể từ 3-3,5 năm, chương trình đào tạo được thiết kế gồm hai phần: các môn học chung theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam và phần chuyên môn theo chương trình chuyển giao từ Đức. Theo đánh giá của đại diện các trường, đây là cơ hội và cũng là thách thức lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. TS. Bùi Văn Hưng (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) cho biết trường được Bộ LĐ-TB&XH cho phép tuyển sinh và đào tạo 2 nghề hàn và công nghệ ô tô theo chương trình này. Đây cũng là 2 nghề đang khát nhân lực không chỉ trong nước mà còn ở khu vực ASEAN và quốc tế. “Tham gia chương trình, người học phải có học lực năm lớp 12 từ khá trở lên và ngoại ngữ tương đương trình độ A2. Chương trình đào tạo thường xuyên đổi mới và cập nhật; do đó, khi tốt nghiệp sinh viên có năng lực chuyên môn và kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp”, TS. Bùi Văn Hưng khẳng định.
Em Nguyễn Văn Hoàng (ngụ huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) là một trong số 16 sinh viên trúng tuyển lớp CĐ chất lượng cao nghề công nghệ ô tô của Trường CĐ Kỹ nghệ II chia sẻ: “Với học phí 7 triệu đồng/học kỳ đối với trường tự chủ tài chính là không quá cao. Trong khi đó, sinh viên ra trường sẽ được nhận hai bằng: Bằng tốt nghiệp do trường cấp và bằng tốt nghiệp đạt tiêu chuẩn Đức do nước này cấp. Với văn bằng này, cơ hội việc làm của sinh viên sẽ cao hơn”.
Đại diện Trường CĐ Giao thông vận tải TW 6 (trường được chọn đào tạo hai nghề: vận hành máy thi công mặt đường và hàn) cho rằng chương trình này không chỉ mở ra cơ hội cho sinh viên được tiếp cận chương trình đào tạo tiên tiến của Đức mà còn là cơ hội để các trường khẳng định chất lượng đào tạo và vị thế tuyển sinh trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Trong khi đó, bộ phận tuyển sinh của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức (trường được chọn thí điểm tuyển sinh và đào tạo nghề điện công nghiệp) thông tin, hiện nay nhu cầu học chương trình CĐ chất lượng cao rất nhiều, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh theo tiêu chuẩn Đức thì có hạn.
Trong số 45 trường được phép tuyển sinh và đào tạo 22 nghề chất lượng cao, khu vực phía Nam có các trường: CĐ Xây dựng TP.HCM, CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM, CĐ Công nghệ Thủ Đức, CĐ Du lịch Vũng Tàu, CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu, CĐ nghề Cần Thơ, CĐ nghề Việt Nam – Singapore, CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2, CĐ nghề Kiên Giang. |
TS. Trương Anh Dũng (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết 45 trường được chọn đào tạo thí điểm chương trình CĐ chất lượng cao được phía Đức khảo sát và thẩm định đạt tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giảng viên. Theo đó, trước khi tổ chức tuyển sinh, các trường đã cử giảng viên sang Đức học tập nâng cao chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và cũng được cấp chứng chỉ. Đây là đội ngũ giảng viên nòng cốt không chỉ có trách nhiệm đào tạo sinh viên mà còn đào tạo, chia sẻ với đồng nghiệp để đạt chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn Đức. Ở góc độ đối tác, ông Peter Pirschle (chuyên gia phát triển về công nghệ ô tô thuộc Chương trình Đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam – GIZ) đánh giá cao nỗ lực của các trường cũng như năng lực chuyên môn của đội ngũ giảng viên. Trong thời gian được đào tạo tại Đức, các giảng viên tích lũy nhiều kinh nghiệm giảng dạy, tiếp cận phương pháp giáo dục mới trong đào tạo nghề – đây là điều kiện tốt nhất để sinh viên ra trường có tay nghề cao, lĩnh hội nhiều kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Được biết, năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã triển khai đào tạo thí điểm 12 nghề theo bộ chương trình chuyển giao từ Úc tại 25 trường trên cả nước. Thống kê của các trường cho thấy, sinh viên tốt nghiệp chương trình này ở các nghề đều có việc làm tốt, trong số đó có nhiều sinh viên đã đi làm khi chưa nhận bằng tốt nghiệp.
Bài, ảnh: T.Anh
Bình luận (0)