Các phụ huynh (ngồi hàng cuối) tham gia cùng con trong tiết học mở phòng chống bị xâm hại
Với mong muốn trang bị và hình thành cho học sinh tiểu học kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng tránh những tình huống xấu trong cuộc sống, cô Nguyễn Thị Ngọc Trinh (giáo viên chủ nhiệm lớp 5/6 Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM) đã xây dựng tiết học mở “Phòng tránh bị xâm hại” cho 31 học sinh trong lớp 5/6. Theo đó, qua những hoạt động trải nghiệm như xem video bài hát 5 ngón tay xinh, đóng kịch các tình huống thực tế mà giáo viên đưa ra, tiết học đã tạo ra sự hứng thú, kích thích tư duy phản biện của học sinh, từ đó hình thành nên kỹ năng tự vệ khoa học cho các em. “Lớp học được chia làm 6 nhóm, các nhóm sẽ đóng kịch về những tình huống mà giáo viên đưa ra. Tuy nhiên, cách xử lý tình huống thì do chính học sinh tự xây dựng và thể hiện”, cô Trinh chia sẻ.
Những tình huống được nêu ra trong tiết học, theo cô Trinh, đều có sự gần gũi, dễ dàng xảy ra trong cuộc sống như không có ba mẹ ở nhà mà có người lạ đến nhận là bạn của ba mẹ thì phải làm sao; tan học đã lâu mà ba mẹ chưa đến đón, có người lạ nhận là bạn được ba mẹ nhờ đến đón vì bận họp chưa ra kịp thì sẽ xử lý như thế nào; đi trong đêm 1 mình và gặp người lạ bám theo, muốn tấn công phải làm thế nào… “Trong mỗi tình huống, các em sẽ có nhiều cách giải quyết. Khi một nhóm diễn kịch thì những nhóm khác sẽ phản biện về cách giải quyết tình huống của nhóm bạn. Các em còn phân tích xem vì sao mình lựa chọn cách giải quyết như thế. Trong tình huống người lạ theo dõi, có ý định tấn công, có nhóm nói rằng nên tự vệ nhưng có nhóm lại cho rằng không nên tự vệ, mà dùng điện thoại gọi cho ba mẹ. Tiết học càng sôi nổi hơn khi chính học sinh bổ sung thêm những tình huống mà các em có thể gặp như có người lạ cho loại kẹo mà mình thích thì có nhận không?”, cô Trinh cho hay.
Tiết học mở còn có sự tham gia của phụ huynh. Khác với những tiết học khác, tiết học mở về phòng tránh bị xâm hại đã mang đến nhiều cảm xúc và cả bài học cho chính phụ huynh. “Tôi rất ấn tượng với tiết học này, không chỉ nhìn thấy con mạnh dạn dám nói ra điều mình nghĩ, xử lý những tình huống mà còn trang bị thêm cho con kỹ năng sống, đồng thời giúp gia đình chú trọng hơn trong việc giáo dục con kỹ năng tự bảo vệ mình”, phụ huynh em Hồ Nam Phương chia sẻ.
“Để hình thành cho học sinh tiểu học kỹ năng tự bảo vệ mình thì cần phải có sự phối hợp giáo dục của nhà trường và gia đình. Qua tiết học mở, hy vọng phụ huynh sẽ có nhìn nhận sâu sắc hơn trong việc đồng hành cùng nhà trường hướng tới bảo vệ, giáo dục học sinh một cách tốt nhất”, cô Trinh bày tỏ.
Bài, ảnh: Y.Đỗ
Bình luận (0)