Những lời động viên, khích lệ cùng với những món quà thưởng giản dị mà sâu lắng sẽ giúp con trẻ thêm những quyết tâm, tựa như liều thuốc tinh thần để giúp trẻ vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
Thế nhưng thực tế, trong quá trình giáo dục và nuôi dạy con không phải cha mẹ nào cũng biết để ý chăm chút đến lời khen và những phần quà nho nhỏ đó cho con.
Hãy cố gắng khen con khi có dịp
Do cha mẹ quá kỳ vọng về con nên trẻ con xứ ta thường ít được nghe những lời khen ngợi và trao phần thưởng, ngược lại còn hay bị chê bai không bằng bạn bằng bè. Thậm chí bị trừng phạt với quan niệm “đòn đau nhớ đời”. Các bậc cha mẹ hãy thử làm một phép so sánh giữa một đứa chỉ cần học tập, sinh hoạt bình thường (không phạm lỗi) là đã được động viên và khi có sự tiến bộ rất nhỏ là được khen ngợi, khích lệ kịp thời. Còn đứa kia luôn bị cha mẹ bắt buộc phải có “thành tích” để báo cáo, còn nếu chỉ bình bình không có gì nổi trội sẽ bị nhắc nhở, chê bai và khi phạm lỗi là bị trách phạt rất nặng nề. Sự tự tin, chủ động bước vào đời khi chúng lớn lên và hòa nhập với xã hội chắc chắn sẽ rất khác biệt.
Là con người nói chung, trẻ nhỏ nói riêng, mắc phải lỗi lầm là bình thường. Sống trong cuộc đời quá nhiều cam go, phức tạp không thể tránh khỏi lỗi lầm. Chỉ có những ông bố bà mẹ quá cầu toàn mới yêu cầu con không được thất bại. Điều đó là không thể và phản giáo dục, bởi trẻ có va vấp, thất bại mới càng thấu hiểu giá trị của thành công. Những ai biết vượt qua những sai sót để tiến bộ hơn mới đáng khâm phục. Không phải lạm dụng lời khen, nhưng cha mẹ chỉ cần con trẻ không phạm lỗi là đã đáng để được khích lệ. Tuy vậy, khi khen cần trung thực, có sao khen vậy, khen không đúng với trẻ chẳng khác nào dạy trẻ “sống hai mặt”, trẻ sẽ làm vì được khen hoặc để làm hài lòng người khác chứ không phải vì sự tiến bộ của bản thân.
Khen phải đi đôi với thưởng
Bé Thanh Nga (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) vào đầu năm lớp lá hay bị táo bón do “con không chịu ăn rau quả”! Qua trao đổi, cha mẹ và bé “bí mật” thống nhất sẽ ăn rau vào những bữa sáng và bữa tối, nếu bé chủ động ăn rau ở lớp mà cô giáo báo về Nga sẽ được cộng thêm 3 bông hoa vào cuối tuần. Bước đầu, mẹ cắt nhỏ ra nấu canh để bé ăn. Nếu bé chịu ăn bữa sáng là đạt 1 bông hoa giấy, bữa tối là 2 bông hoa. Một tuần số hoa đạt được trên 10 chiếc thì sẽ được đi chơi đu quay và thú nhún. Tối nào, bé cũng hào hứng cùng ba chuẩn bị và dán chiếc hoa giấy nho nhỏ do ba cắt được gắn lên bảng thành tích của mình, nhờ vậy mà gia đình có được những giây phút thư giãn và rèn đôi tay thêm khéo léo. Dù phần thưởng là những món quà nhỏ về tinh thần hay vật chất đều là sự “cụ thể hóa” những lời khen. Trẻ suy nghĩ giản đơn và sống cảm tính nên được “mắt thấy tai nghe” thành quả mình đạt được sẽ có động lực để cố gắng nỗ lực hơn để rèn được thói quen tốt. Mục đích của khen và thưởng là “kích” tinh thần tích cực tiến bộ nên không nhất thiết phải là quá đề cao vật chất. Với trẻ này là được đi uống sinh tố, ăn gà rán, với trẻ khác có thể là bộ đồ chơi lắp ghép hoặc được cha mẹ cùng kể chuyện cổ tích.
Một cách tạo nguồn hứng khởi cho trẻ là cha mẹ có thể nhờ vả trẻ làm giúp một số việc nhà, khi trẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ hãy khen ngợi thật lòng và đừng quên nói cảm ơn để bé sung sướng với cảm giác mình đã đóng góp một phần cho tổ ấm yêu thương.
Khơi nguồn hứng thú, phấn khởi cho trẻ có thể thông qua nhiều cách tác động khác nhau. Có thể bằng cách khen ngợi, trao phần thưởng, cho trẻ được tự quyết định hành động… đều kích thích được niềm hứng khởi để trẻ nỗ lực hơn trong cuộc sống.
Nguyễn Văn Công
(Giảng viên tâm lý học – ĐH Nguyễn Huệ)
Bình luận (0)