Công an làm thủ tục đưa người NMT vào cơ sở cai nghiện (ảnh chụp tại Cơ sở xã hội Bình Triệu 2) |
Theo ông Trần Ngọc Du – Chi cục trưởng, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH TP), TP.HCM hiện có 11.953 người nghiện ma túy (NMT) có nơi cư trú ổn định, người NMT thực hiện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng là 841 người. Số người NMT đã được TAND các quận, huyện ban hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 177 người; số người NMT đăng ký tự nguyện cai nghiện bắt buộc là 177 người; số người điều trị nghiện thay thế bằng thuốc methadone 3.640 người…
Về khó khăn khi đưa người NMT vào các cơ sở cai nghiện, ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nói: “Chính sách hỗ trợ cho người NMT có nơi cư trú ổn định thực hiện quyết định của TAND đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa được quy định. Quá trình đưa người nghiện đến cơ sở cai nghiện dễ xảy ra sự cố gây nguy hiểm, mất an toàn trên đường di chuyển do người nghiện chưa được cắt cơn, giải độc…”.
Tuy nhiên khó khăn lớn nhất của TP.HCM trong công tác phòng tệ nạn ma túy, theo Đại tá Võ Văn Trai – Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) Công an TP – là: “Trong thời gian tới, tình hình mua bán và sử dụng trái phép các chất ma túy vẫn tiếp tục tiềm ẩn, diễn biến phức tạp. Người sử dụng heroin qua tiêm chích chiếm số lượng lớn và người sử dụng ma túy tổng hợp có chiều hướng gia tăng mạnh. Nhóm đối tượng chủ yếu là thanh niên, HSSV ở khu vực đô thị. Tỷ lệ tái nghiện vẫn còn cao, số người tự đăng ký cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng còn thấp…”.
Từ thực tế này, tại buổi làm việc với các sở, ngành liên quan, bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch UBND TP – nhấn mạnh: “Tuy công tác phòng chống ma túy, cai nghiện ma túy còn rất nhiều khó khăn và nhận thức của một bộ phận cán bộ còn hời hợt, không hoàn thành nhiệm vụ với người dân. Do đó, các địa phương và sở ngành cần quyết liệt thực hiện các giải pháp cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng…”.
Theo đó, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho Sở LĐ-TB&XH điều phối phân bổ việc tiếp nhận người NMT không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội Bình Triệu, Thanh thiếu niên 2. Và việc tiếp nhận người NMT vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc thuộc Sở LĐ-TB&XH đối với các quận 1, 2, 3, 4, 7, 8, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè.
Còn lực lượng thanh niên xung phong (LLTNXP) TP tiếp nhận vào Cơ sở xã hội Nhị Xuân người NMT không có nơi cư trú ổn định; đồng thời điều phối phân bổ việc tiếp nhận người NMT vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc trực thuộc LLTNXP TP đối với các quận 5, 6, 10, 11, 12, Bình Tân, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn; Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội Phú Nghĩa tiếp nhận tất cả người NMT có giới tính nữ của 24 quận, huyện, đã có quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của cơ quan có thẩm quyền; Trung tâm Cai nghiện ma túy Bố Lá tiếp nhận người NMT đã có tiền án về các tội phạm nghiêm trọng trở lên, người NMT thường xuyên gây rối trật tự công cộng tại địa phương của 24 quận, huyện, đã có quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của cơ quan có thẩm quyền.
Thời gian thực hiện việc tiếp nhận nói trên bắt đầu từ ngày 2-5-2016.
Bài, ảnh: Huy Cận
Bình luận (0)