Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nỗi niềm ôn tập môn văn!

Tạp Chí Giáo Dục

Đến hẹn lại lên, cứ vào cuối năm học, trường tôi cùng các trường khác tổ chức các lớp ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT tốt nhất. Ba môn toán, văn, Anh văn bắt buộc phải thi nên giờ học các môn này học sinh ôn tập theo lớp. Các môn còn lại, tùy theo khối thi hay tổ hợp môn xét ĐH thì các em học theo khối, theo lớp riêng. Lúc này, cơ cấu lớp ban đầu không còn nữa, thay vào đó là lớp “tổng hợp”, gồm nhiều lớp cùng ôn chung vì đăng ký chung khối thi. Các lớp ôn theo từng khối thi này do các em tự nguyện đăng ký nên đa số học đầy đủ, cho bõ “đồng tiền bát gạo” học phí bỏ ra. Môn văn là môn thi bắt buộc nên mới khốn khổ, khó xử làm sao. Đúng là “dạy dỗ” (vừa dạy vừa dỗ thì các em mới chịu học). Môn văn, nói xin lỗi – nếu được phép chọn thì đảm bảo rất ít học sinh can đảm đăng ký thi. Nếu Bộ GD-ĐT cho phép không thi thì các em còn vỗ tay to hơn khi nghe môn sử không bắt buộc thi như thuở nào. Môn văn nằm trong ít ngành thi mà học sinh chọn lựa như khối D (toán, văn, Anh văn), khối C (văn, sử, địa)… nên hầu như các em chẳng có chút hứng thú nào trong các giờ ôn tập! Nhiều em vô lớp sử dụng điện thoại (nghe, chơi game…) một cách tự nhiên mà trong giờ dạy chính khóa các em không dám.

Chưa hết, có những học sinh còn tỏ ra thiếu tôn trọng bộ môn văn, thiếu tôn trọng cả thầy cô dạy văn luôn. Các em cho rằng: chẳng cần điểm thi môn văn cao làm gì cho mệt; chỉ cần 1 điểm hai lăm (1,25) cho khỏi liệt là đủ điểm đậu tốt nghiệp rồi. Môn văn bị coi thường ra mặt mà giáo viên cũng đành phải chọn cách im lặng vì học sinh đã… đóng tiền học phí ôn rồi. Các em còn tỏ thái độ thiếu lễ độ khi được giáo viên bộ môn nhắc nhở về ý thức ôn tập là “đã đóng tiền rồi, muốn học sao thì học”. Lắm buổi học sinh vắng quá nửa là chuyện thường… Tôi nhiều khi muốn đề xuất (và đã có ý kiến như thế) là bộ môn văn bắt buộc bài thi phải đạt 5 điểm trở lên mới xét tốt nghiệp! Dẫu biết rằng đó là điều không thể thực hiện được nhưng tôi vẫn mạnh dạn bày tỏ ý kiến của mình. Những bộ môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội như văn, sử, địa… đang ngày càng bị coi nhẹ, xem thường của học sinh và của các bậc phụ huynh. Sự coi nhẹ, không chịu học những bộ môn này của học sinh, không định hướng học tốt bộ môn của phụ huynh hiện chưa có biện pháp nào khắc phục tận gốc.

Mùa thi lại đến! Nhiều hội đồng thi vắng thí sinh thi môn sử – đó là điều mà chúng ta cần suy nghĩ. Nhưng nếu cho các em chọn môn văn như môn sử thì chắc chắn có khoảng 99% thí sinh không chọn thi bộ môn vừa khó “nhằn” vừa không dễ gì đạt điểm cao như môn văn hiện hành.

Lê Trường Sa

Bình luận (0)