Nghị quyết 88 cho phép thực hiện “một số SGK cho mỗi môn học” cũng là để phù hợp với giai đoạn đầu khi chúng ta chuyển từ một bộ sang nhiều SGK cho mỗi môn học
|
Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
|
|
Trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21.2 khi bàn về nội dung một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK), một số đại biểu đã bày tỏ lo ngại về việc nhiều bộ sách sẽ khó đảm bảo chất lượng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng chủ trương, quan điểm của T.Ư và Quốc hội là phải có lộ trình thực hiện "một chương trình, nhiều bộ SGK". Trước mắt, điều kiện chưa cho phép, vẫn thống nhất thực hiện một bộ SGK, đến khi nào đảm bảo các điều kiện cần thiết sẽ thực hiện chủ trương trên.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, cho rằng ý kiến của Chủ tịch Quốc hội phản ánh lo lắng chung của nhiều đại biểu và một số tổ chức, cá nhân hiện nay về những khó khăn chưa thể khắc phục khi thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều SGK”.
“Nghiên cứu Nghị quyết 29 của T.Ư Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tôi thấy có 3 nội dung liên quan đến SGK: Thứ nhất, xây dựng một nền giáo dục mở; thứ hai là đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người; thứ ba là biên soạn SGK, tài liệu dạy và học phù hợp với từng đối tượng học. Có lẽ nghị quyết chỉ đề ra những chủ trương lớn nên tôi không thấy có yêu cầu thực hiện theo lộ trình, trong khi văn bản này đã được ban hành từ năm 2013, cách nay đã gần 6 năm rồi. Nghị quyết 88 của Quốc hội khóa 13 cũng quy định thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK, có một số SGK cho mỗi môn học và chỉ nói đến lộ trình đổi mới chương trình, SGK ở các lớp nên nếu có thay đổi Quốc hội sẽ phải ban hành nghị quyết sửa đổi nghị quyết này”, GS Thuyết nói.
Tuy nhiên ông Thắng và ông Thuyết đều cho biết nếu luật Giáo dục sửa đổi được Quốc hội ban hành sau Nghị quyết 88 và trước khi thực hiện chương trình-SGK mới thì sẽ không phải sửa Nghị quyết 88 vì luật mới ra đời sẽ có giá trị pháp lý cao nhất.
Cho phép thực hiện một số SGK cho mỗi môn học
Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng đến thời điểm này thì Nghị quyết 88 của Quốc hội vẫn còn nguyên giá trị. Nếu quay về thực hiện 1 chương trình, 1 bộ SGK trên toàn quốc thì sẽ phải đưa vào nội dung kỳ họp của Quốc hội để thảo luận và biểu quyết về việc sửa Nghị quyết 88.
Ông Thắng cũng cho rằng khi ban hành Nghị quyết 88, Quốc hội đã lường trước nhiều khó khăn nên khi cho phép thực hiện xã hội hóa việc viết SGK, nghị quyết đã thận trọng khi không dùng từ là “nhiều bộ SGK” mà chỉ nói một số SGK. Nghĩa là sẽ không yêu cầu chỉ có 1 chương trình, 1 bộ SGK như hiện nay nhưng cũng không thể chắc chắn rằng việc xã hội hóa viết SGK sẽ cho ra nhiều bộ đạt yêu cầu ngay được. Vì vậy, nghị quyết thì vẫn giao cho Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn một bộ SGK dùng chung để tránh trường hợp xã hội hóa biên soạn SGK không thực hiện được nhiều và đầy đủ ở tất cả các môn học, cấp học thì vẫn có 1 bộ để đảm bảo nhu cầu dạy và học của tất cả học sinh. Còn lại, các tổ chức, cá nhân khác, theo nhu cầu và khả năng của mình sẽ biên soạn SGK của từng môn học hoặc cấp học nào đó. “Nghị quyết 88 cho phép thực hiện “một số SGK cho mỗi môn học” cũng là để phù hợp với giai đoạn đầu khi chúng ta chuyển từ một bộ sang nhiều SGK cho mỗi môn học”, ông Thắng nói.
Mặc dù khẳng định: “Chương trình giáo dục phổ thông mới được soạn theo tinh thần “mở” nên dù cấp lãnh đạo quyết theo hướng một hay nhiều SGK cho mỗi môn học đều không ảnh hưởng tới nội dung chương trình”, nhưng GS Thuyết cho rằng: “Nếu chỉ áp dụng 1 chương trình 1 bộ SGK, là một điều rất đáng tiếc!”.
Ông Thuyết phân tích: Việc có nhiều SGK không ảnh hưởng gì đến việc đảm bảo chất lượng sách, chất lượng dạy và học, thậm chí còn tốt hơn lên bởi có cạnh tranh tích cực.
Nhiều bộ SGK, nguồn tư liệu học tập sẽ mở
GS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học VN, cũng cho rằng: Một chương trình, nhiều bộ SGK là một chủ trương triển khai chương trình giáo dục phổ thông được đông đảo người dân tán đồng và được Nghị quyết của Quốc hội chấp thuận. “Tôi đồng tình với việc làm này, từ lâu cũng đã phát biểu về quan điểm của mình, bởi làm như vậy thì nguồn tư liệu học tập mới mang tính mở”, ông Dong nêu quan điểm và cũng ủng hộ yêu cầu Bộ GD-ĐT cần có một bộ SGK đầy đủ của cả 3 cấp học. Bộ SGK chính thống này phải do một tập thể các nhà khoa học và giáo dục tiến hành do Bộ tổ chức. Cơ quan này nằm ngoài bất cứ nhà xuất bản nào. Nếu không, việc tổ chức viết sách và in SGK sẽ rơi và tình trạng độc quyền của nhà xuất bản.
|
(còn tiếp)
Tuệ Nguyễn/TNO
Bình luận (0)