Học sinh THCS học văn qua diễn kịch. Ảnh: N.Quang
1. Ngày xưa, chúng tôi mê học môn văn bởi vì may mắn được học với những thầy cô dạy văn tâm huyết. Thầy cô đã truyền cảm hứng, rung động cho chúng tôi, giúp chúng tôi biết yêu đất nước, yêu con người qua từng câu văn, ý thơ mà thầy cô thả hồn, say sưa phân tích. Lời giảng của thầy cô đã đưa chúng tôi chạm đến từng cung bậc cảm xúc của văn chương. Nhớ sao từng giọng giảng diễn cảm, khi thì nhẹ nhàng bay bổng với âm điệu ngọt ngào của lời thơ hay ca dao; khi thì sôi nổi, sâu lắng, trí tuệ với những bài giảng văn, phân tích tính cách nhân vật cùng các khía cạnh của cuộc đời.
Hồi đó, chúng tôi mong mỏi mau đến tiết học văn để được đắm mình trong bầu không khí văn học mà thầy cô là người truyền đạt. Văn học là nhân học, chúng tôi được rèn nhân cách từ những bài văn và thầy cô dạy văn. Ngày xưa, tuy chưa triển khai phương pháp mới nhưng bằng tâm hồn đến với tâm hồn, bằng trí tuệ và cảm xúc, thầy cô đã thành công trong việc khắc sâu những tác phẩm văn học trong lòng học sinh. Mấy mươi năm sau, chúng tôi vẫn còn nhớ như in những bài văn, bài thơ thầy cô dạy và áp dụng nhiều điều hay vào cuộc sống.
2. Ngày nay, theo dõi việc học văn của con cháu, tôi thấy có những điều tâm đắc và những điều chưa hài lòng.
Điều tâm đắc nhất là nhà trường đã đưa văn học đến gần cuộc sống, phục vụ cho cuộc sống. Bên cạnh những tác phẩm văn học ca ngợi con người và cảnh đẹp thiên nhiên “mây gió, trăng hoa, tuyết núi sông”…, văn học còn phản ánh cuộc sống đời thường hết sức gần gũi, giúp học sinh cảm nhận cuộc sống xung quanh cùng các mối quan hệ xã hội. Ngoài những tác phẩm văn học kinh điển truyền thống còn có thêm các bài văn học mang đậm tính thời sự như: Một ngày không sử dụng bao bì nylon; Ôn dịch thuốc lá; Bài toán dân số; Thông tin về ngày trái đất; Sài Gòn tôi yêu… Về tập làm văn, chương trình dạy có các bài dạy cách làm báo cáo, thuyết minh, tường thuật, phân tích, cảm nhận những vấn đề trong cuộc sống, từ nhỏ đến lớn. Đó là những bài học vô cùng hữu ích để học sinh vận dụng khi bước vào đời. Gần đây, tôi tâm đắc với những đề thi môn văn rất gần gũi, gắn liền thực tế, buộc học sinh phải quan tâm đến thời sự, xã hội để có ý tưởng viết văn.
Tuy nhiên, điều tôi chưa hài lòng là dù nhà trường triển khai đổi mới phương pháp nhưng nhiều giáo viên vẫn còn dạy văn theo kiểu cũ. Đó là cách dạy từ chương, trích cú làm giảm khả năng sáng tạo và dẫn đến điều tệ hại hơn là giết chết lòng yêu thích văn học của học sinh. Trước kỳ thi, cháu tôi đem về một xấp đề cương văn dày cộm nói là cô giáo yêu cầu phải học thuộc lòng hết, không bỏ sót câu nào. Mở đề cương ra xem, tôi thấy giáo viên đã in sẵn bài mẫu cho các đề văn của học kỳ, mỗi bài dài từ hai đến ba trang. Tôi bảo chỉ học ý thôi, rồi từ ý mà diễn đạt thành câu văn. Cháu không dám và nói là nếu trả bài không đúng đề cương, cô sẽ phạt! Về ngữ pháp thì cô giáo cũng soạn đề cương bằng cách ghi câu hỏi bên trên và câu trả lời bên dưới, kèm ví dụ cho học sinh dễ học, khỏi phải lần mò trong sách giáo khoa. Và như thế, cháu tôi đã học thuộc lòng như con vẹt. Tôi còn biết, nhiều lớp luyện thi cũng áp dụng cách này. Để đỡ tốn thời giờ, giáo viên cho phát đề cương, học sinh chỉ ngồi im nghe giảng, không phải chép bài hay phát biểu gì cả.
Đến ngày thi, nếu đề ra “trúng tủ” thì học sinh chỉ việc tuôn ra trang giấy những gì đã thuộc. Còn nếu như gặp đề khác với đề cương, học sinh nào nhanh trí, xoay xở làm được thì tốt, còn không thì đành chịu “bể tủ” vậy!
Tôi rất buồn khi thấy cháu tôi và nhiều học sinh khác phải học văn như vậy. Còn đâu là cảm hứng văn chương với những rung động tâm hồn đưa con người đến gần với “chân, thiện, mỹ”. Còn đâu là niềm hứng thú, sự suy nghĩ riêng tư, những ý sáng tạo, bay bổng khi đặt bút làm những đề văn. Thông qua cách dạy văn mẫu như thế, vô tình giáo viên đã sản sinh hàng loạt “con cừu nhân bản Dolly”. Kết quả là học sinh sẽ tả hàng loạt ông, bà nội giống nhau; tả cảnh đẹp quê hương cũng giống nhau, thậm chí các em có cùng suy nghĩ, khi “tư tưởng nhỏ gặp nhau” thì phân tích, bình luận về một tác phẩm hoặc một nhân vật cũng giống nhau. Tôi không hiểu giáo viên có cảm giác như thế nào khi chấm bài, gặp phải hàng loạt bài viết giống nhau. Dạy như thế, giáo viên chán dạy văn là phải; mà học sinh chán học văn cũng là chuyện đương nhiên.
3. Thiết nghĩ, khi dạy văn, giáo viên nên để cho học sinh tự do nói lên những cảm nhận, suy nghĩ chân thật của mình, nếu sai thì uốn nắn, nếu không sai quá thì cũng nên tôn trọng ý tưởng của các em. Khi cho tự do phát biểu thì mới tạo điều kiện cho các em tư duy, sáng tạo. Đã có học sinh thành thật nói là Thúy Kiều không đẹp (vì lông mày Kiều ví như dãy núi), nhân vật Tấm ác chứ không hiền (khi đã trả thù Cám ghê gớm!). Có em còn mạnh dạn phê bình Thạch Sanh là quá ngu ngơ, khờ khạo, đáng trách (khi liên tiếp để bị Lý Thông lừa)… Văn học là nhân học. Học văn là học cách làm người. Trước hết cần dạy các em thành những con người có lòng nhân ái, biết cảm thụ cái đẹp, biết độc lập suy nghĩ, có tư duy sáng tạo, biết nhận xét và phân tích phải, trái, đúng, sai… các vấn đề trong đời sống.
Muốn thế, người giáo viên cần phải thay đổi cách dạy văn theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh và điều cần thiết nhất là dạy văn bằng sự cảm thụ sâu sắc, bằng phân tích khoa học để “từ con tim sẽ đến với trái tim”. Từ đó sẽ giúp học sinh có hứng thú học văn và yêu thích môn văn.
Trần Thị Minh Thi
Bình luận (0)