Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phải giáo dục trẻ những điều tử tế

Tạp Chí Giáo Dục

Trước tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều các video clip, livestream (quay clip trực tiếp) quá lố như hiện nay, chúng ta không khỏi phàn nàn về ý thức truyền thông thực dụng của một bộ phận youtuber (tài khoản Youtube). Đáng chú ý, các tài khoản mạng này thường được giới trẻ rất quan tâm. Và chúng ta khẩn thiết kiến nghị các cơ quan hữu quan cần có những chế tài mang tính răn đe hơn nữa, để đủ sức phòng ngừa, ngăn chặn các trường hợp tương tự xảy ra. Điều đó hoàn toàn hợp lý, phù hợp với bối cảnh công nghệ đang phát triển như hiện nay.

Song, bên cạnh đó, rõ ràng như một quy luật, có cầu thì mới có cung. Để có thể dung dưỡng cho hiện trạng livestream quá lố tung hoành trong thời gian qua, chính là bởi nhu cầu không nhỏ của người dân, mà đa phần là các bạn trẻ, với tính tò mò, hiếu kỳ, thích quan tâm những sự kiện không liên quan nhiều đến bản thân mình. Xem một clip quay cảnh đám cháy ở đâu đó; xem một clip quay cảnh cãi nhau giữa đám đông xa lạ; xem một clip quay cảnh một bạn nữ từ chối lời tỏ tình từ một bạn nam… Muôn kiểu các clip trực tiếp với muôn hình vạn trạng tình huống có trong cuộc sống, nhưng đa phần là các tình huống có tính chất kịch tính, tạo cảm giác kích thích, thôi thúc cảm xúc háo hức chờ đợi tò mò. Thói quen này của người xem, nếu để lâu dần sẽ mang lại nhiều hệ lụy tiêu cực cho bản thân và cho những người xung quanh. Mà sự vô cảm là một trong những điều dễ nhận ra. Và như chúng ta thấy, đã có những người xem có thể thờ ơ khi thoải mái chia sẻ (share) một livestream đang quay cảnh một sự cố nào đó ngay từ hiện trường và vô tư bình luận (comment). Thay vì tìm cách chung tay giải quyết vấn đề, sự cố, tai nạn xảy ra, người xem chỉ thờ ơ chia sẻ livestream, thờ ơ quan sát và thờ ơ bình luận. Sự vô cảm của một bộ phận người dùng mạng xã hội là một chỉ dấu cho thấy sức đề kháng đối với mặt trái của công nghệ đang thật sự có vấn đề.

Nếu không muốn trở thành những người vô cảm, chúng ta phải xây dựng ý thức xem những điều tử tế, nhất là đối với những thông tin trên thế giới mạng. Bởi với thời đại công nghệ, mỗi một người dùng đều có thể tự mình trở thành một kênh truyền thông. Sự khó lòng kiểm soát của các cơ quan chức năng đang là cơ hội để những thông tin không tích cực xuất hiện lan tràn. Chúng ta cần thiết lập kỹ năng để sàng lọc những thông tin phù hợp với pháp luật, văn hóa và xã hội. Đối với trẻ nhỏ – lứa tuổi còn đề kháng yếu trước các tác hại của những thông tin tiêu cực, người lớn cần thường xuyên quan tâm và hướng dẫn các em sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm với cộng đồng.

Trn Xuân Tiến

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)