So với trước tết năm ngoái, giá nhiều nhóm hàng thiết yếu đã tăng vọt gây lo ngại về giá cả hàng tết.
Giá thịt heo, gạo, xăng dầu… đều cao hơn hẳn so với thời điểm này năm ngoái. Cụ thể, với mặt hàng heo hơi, thời điểm này năm ngoái chỉ có giá 31.000 – 32.000 đồng/kg, nay giá khoảng 51.000 – 52.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng/kg.
Những ngày gần đây, giá heo hơi lại rục rịch tăng thêm do nhu cầu chuẩn bị nguyên liệu để sản xuất hàng tết. Những nhóm hàng khác như gạo, dầu ăn, thủy sản… dù không tăng giá mạnh như thịt nhưng cũng đều có mức giá cao hơn hẳn cùng kỳ năm trước.
Giá thịt heo, gạo, xăng dầu… đều cao hơn hẳn so với thời điểm này năm ngoái. Ảnh minh họa |
Đại diện một doanh nghiệp chế biến thực phẩm cho biết, chi phí đầu vào đã tăng hơn 20%, bao gồm giá nguyên liệu (thịt tươi sống), xăng dầu, nhân công, tất cả đều “ăn” vào giá thực phẩm chế biến như giò, chả, đồ nguội. Nhưng các doanh nghiệp cũng khó tăng giá theo đúng tỷ lệ chi phí đầu vào, vì các mặt hàng này đều nằm trong nhóm hàng bình ổn giá.
Theo ông Nguyễn Phương Đông – Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM – các doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu phục vụ cho thị trường tết đã đăng ký với sở về số lượng, chủng loại hàng, mẫu mã, kế hoạch tiêu thụ, chương trình khuyến mãi.
Ông Đông khẳng định, hàng hóa cho mùa tết năm nay sẽ vẫn dồi dào, chất lượng được nâng lên, mẫu mã đa dạng, bảo đảm an toàn và doanh nghiệp đã cam kết giữ giá ổn định. Có 90 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường dịp tết Kỷ Hợi, với tổng lượng hàng tăng bình quân 30 – 35% so với năm trước. Các doanh nghiệp sẽ chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn hàng, phát triển điểm bán, chấp hành các quy định của chương trình, điều phối, đảm bảo cung cầu thị trường, góp phần ổn định mặt bằng giá chung của thị trường trong những mùa cao điểm lễ, tết.
Mục tiêu của chương trình bình ổn là giúp giá cả hàng hóa thấp hơn sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng trên thị trường ít nhất từ 5 – 10%. Tuy nhiên, trước áp lực đầu vào tăng, từ đầu năm 2018 đến nay, TP.HCM cũng đã 5 lần điều chỉnh tăng giá hàng hóa bình ổn thị trường.
Dù người tiêu dùng được hưởng lợi từ chương trình bình ổn giá, nhưng nông dân nhiều nơi lại lo lắng về việc giá cả bị khống chế. Hơn một năm trước, nhóm hàng thịt heo đã trải qua thời kỳ khủng hoảng, phải kêu gọi người dân giải cứu, nhiều người nuôi heo phá sản vì giá heo giảm sâu, nay giá tăng được một thời gian ngắn, lại bị cơ quan quản lý tác động, kìm hãm. Vì vậy, nhiều hộ chăn nuôi do dự, không muốn tái đàn.
Thư Hùng/Phunuonline
Bình luận (0)