Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Nghiêm ngặt, công bằng nhìn từ các cụm thi

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh chuẩn bị làm bài thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: M.Tâm

Hai mục tiêu trước mắt mà tất cả các cụm tổ chức thi THPT quốc gia 2016 phải hướng đến là vừa tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh trong việc di chuyển, vừa phải đảm bảo tính nghiêm ngặt trong việc bố trí thí sinh của nhiều trường phổ thông trong một hội đồng coi thi. Hai mục tiêu này có vẻ mâu thuẫn nhau, vì nếu được mặt này sẽ mất mặt kia, và ngược lại. Cho nên các cụm tổ chức thi phải đặc biệt chú ý.

Còn nhớ năm ngoái, năm đầu tiên cụm thi giao về cho các trường ĐH đứng ra tổ chức. Và để cho đơn giản, tiện lợi, nhiều cụm đã xếp thí sinh dự thi của các trường phổ thông vào các hội đồng thi dựa trên địa bàn cư trú. Hệ quả là nhiều phòng thi có rất đông thí sinh học cùng một trường. Vì thế làm mất đi phần nào tính nghiêm ngặt của kỳ thi, dễ dẫn đến bất bình đẳng về áp lực tâm lý của thí sinh dự thi ở các cụm khác nhau. Năm nay, theo sự chuẩn bị của các cụm thi, việc sắp xếp thí sinh được thực hiện theo phương thức trộn lẫn và đánh số thứ tự chữ cái thay vì phần mềm quản lý như năm ngoái. Song như đã nói ở trên, nếu không tính toán kỹ thì cũng dễ lặp lại tình trạng cũ.  

Thêm nữa, nhiều hội đồng thi có những quy định, đưa ra những yêu cầu khác nhau trong cách tổ chức, theo cách làm riêng của trường mình. Mặc dù sự khác biệt không thật lớn, nhưng cũng dễ tạo ra sự thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ giữa các cụm thi. Chẳng hạn như năm ngoái, nhiều giáo viên phổ thông tham gia coi thi tại hội đồng thi do một trường ĐH tổ chức rất ngạc nhiên trước yêu cầu rất “lạ” của hội đồng này. Đó là không được kẽ trục thời gian làm bài lên bảng. Khi giáo viên thắc mắc, thì được trả lời với một lý do đơn giản: “Trường chúng tôi quen làm thế! Kẽ trục thời gian sẽ làm cho thí sinh phân tâm khi làm bài”(?!). Trong khi đó, theo quy định chung, giám thị coi thi phải làm thao tác này lên bảng.

Vì vậy, thiết nghĩ, để việc tổ chức kỳ thi được nghiêm ngặt và công bằng, Bộ GD-ĐT phải có yêu cầu cụ thể, thống nhất trong các cụm thi về những điểm này. Từ đó từng cụm thi phải dựa vào số lượng nhân sự, số lượng thí sinh, cơ sở vật chất các hội đồng thi, để phân chia thí sinh hợp lý. Và có những cách tổ chức coi thi, chấm thi đồng bộ, thống nhất đảm bảo sự công bằng cho thí sinh.

Trần Ngọc Tuấn (giáo viên THPT)

Bình luận (0)