Dạy học theo dự án là hình thức ngày càng được nhiều giáo viên quan tâm thực hiện bởi người học không chỉ được trang bị đa dạng kiến thức mà còn hình thành nhiều kỹ năng sống thiết thực.
Cô – trò Trường THPT Trần Khai Nguyên (TP.HCM) đang thực hiện một dự án |
Tuy nhiên, để hoàn thành một dự án, giáo viên và học sinh gặp không ít khó khăn cũng như đối diện với một số bất cập trong quá trình thực hiện.
“Đầu tư” lớn
Trước khi triển khai dự án, giáo viên phải nhìn ra sự liên quan của bài học tới các vấn đề trong cuộc sống, hình thành ý tưởng về một dự án, sau đó mới chuẩn bị hồ sơ, kế hoạch, thời gian… Cuối cùng là phân công nhiệm vụ cho từng nhóm học sinh, xác định phương án hỗ trợ, tập huấn kỹ năng làm ra sản phẩm…
Cô Huỳnh Thị Thanh Hiền (giáo viên Trường THPT Ernst Thalmann, TP.HCM) tâm sự: “Khó khăn lớn nhất khi thực hiện dự án là không có thời gian, trong khi khối lượng công việc của dự án rất nhiều. Cụ thể, giáo viên phải hoàn thành các tiết dạy trên lớp, hoàn thành hồ sơ sổ sách rồi mới thực hiện dự án. Thông thường giáo viên – học sinh phải tranh thủ trao đổi trong giờ giải lao, ngày nghỉ hoặc qua online. Bất cứ lúc nào học sinh gửi bài qua mạng giáo viên phải tranh thủ xem, sửa bài mới có thời gian để hướng dẫn tiếp cho các em. Ngược lại, nhiều học sinh cũng phải tranh thủ làm cả buổi tối thì mới kịp”.
Lần đầu làm dự án “Nào mình cùng đi xe buýt”, mọi công việc gia đình, thậm chí trông con nhỏ, cô Hiền đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của chồng. Chỉ riêng 6 tuần thu thập thông tin, các ngày cuối tuần cô phải tham gia trên các tuyến xe buýt để hướng dẫn học sinh quay clip làm phim. Kết thúc dự án, cô cảm nhận sức khỏe của mình bị giảm sút.
Từng thành công với không ít dự án dạy học, thầy Ngô Thành Nam (giáo viên Trường TH-THCS-THPT Việt Úc, TP.HCM) lại cảm thấy khó khăn lớn nhất đó là quá trình thay đổi vai trò của người dạy và người học, tức là các em học sinh phải có được sự chủ động, còn giáo viên thì đóng vai trò hướng dẫn, tư vấn thay vì “cầm tay chỉ việc”. Song, đôi khi thử thách bắt nguồn từ chính người học do đã nhiều năm quen với cách học truyền thống nên khá thụ động.
“Để dạy học dự án được nhân rộng đến nhiều học sinh và giáo viên có điều kiện tham gia, ngành giáo dục nên giảm tải chương trình và thay đổi cách đánh giá. Theo đó, chúng ta nên đánh giá cả quá trình thay vì chỉ đánh giá dựa theo điểm trung bình, đánh giá qua kỳ thi…”, thầy Nguyễn Quang Hùng (giáo viên Trường THPT Vĩnh Lộc, TP.HCM) nói. |
“Để làm tốt dự án đòi hỏi người giáo viên phải linh hoạt, tâm huyết. Nhưng không phải người giáo viên nào cũng có đủ sự kiên trì để vượt qua thách thức thay đổi suy nghĩ của người dạy và người học; và họ sẽ dễ dàng bỏ cuộc nếu như không vượt qua được áp lực ấy. Chỉ khi nào người giáo viên hiểu rõ bản chất của phương pháp cộng với sự đam mê của bản thân thì phương pháp dạy học theo dự án mới thành công và được nhân rộng”, thầy Nam cho biết.
Cần thay đổi cách đánh giá
Khi tham gia dự án, học sinh là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất. Theo đó, các em không chỉ được cung cấp tri thức mà còn hình thành các kỹ năng tư duy độc lập và giải quyết vấn đề; kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, lắng nghe, chia sẻ, phản biện; kỹ năng sắp xếp công việc, có tinh thần trách nhiệm… Một giáo viên công tác tại Trường THPT Trần Khai Nguyên (TP.HCM) nói: sau dự án, các em học sinh lớn-lên-rất-nhiều về mặt nhận thức. Thái độ, hành vi, tư duy, học tập đều có sự thay đổi. Cụ thể, các em có sự chủ động, tự giác trong học tập nhiều hơn.
Tuy nhiên những giá trị này mới chỉ được công nhận trong dự án, mà chưa được đánh giá trong bài thi, trong quá trình học tập khiến cho quan niệm làm dự án vẫn là… việc phụ. Thầy Nguyễn Quang Hùng (giáo viên Trường THPT Vĩnh Lộc, TP.HCM) chia sẻ: “Chúng tôi rất buồn khi giá trị của dự án mang lại cho học sinh rất lớn nhưng quan niệm xã hội thì xem dự án vẫn chỉ là việc phụ. Tất cả xuất phát từ quan niệm điểm thi vẫn quan trọng nhất, vì điểm ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích học tập, dẫn đến tình trạng học sinh cứ phải chạy đua điểm số. Nghịch lý ở chỗ, bài thi đạt điểm cao chưa hẳn học sinh ấy đã giỏi. Ví dụ ở môn tin học, đa số đề thi là trắc nghiệm, chú trọng đánh giá khả năng nhớ chứ không phải khả năng thao tác, ứng dụng, khả năng suy luận”.
Theo thầy Hùng, để dạy học dự án được nhân rộng đến nhiều học sinh và giáo viên có điều kiện tham gia, ngành giáo dục nên giảm tải chương trình và thay đổi cách đánh giá. Theo đó, chúng ta nên đánh giá cả quá trình thay vì chỉ đánh giá dựa theo điểm trung bình, đánh giá qua kỳ thi… “Hiện tại chương trình học quá nặng, hàn lâm, cách đánh giá chưa phù hợp. Ví dụ cách đánh giá dựa theo điểm trung bình môn. Một học sinh học rất giỏi môn toán nhưng có thể một số môn khác lại không phải thế mạnh của em. Nếu xét điểm trung bình để đánh giá, có thể một học sinh học đều sẽ giỏi hơn”, thầy Hùng cho biết.
Trước vấn đề này, cô Hiền cũng kiến nghị, giảm tải chương trình là điều hết sức cần thiết, đồng thời cần thay đổi cả cách đánh giá. Hiện nay cách đánh giá kiến thức, năng lực vẫn thể hiện ở các bài thi dạng viết. Vì thế sau dự án, học sinh lại phải quay cuồng với các môn học, chạy đua ôn thi để lấy điểm. Còn bản thân giáo viên cũng phải cố gắng đảm bảo các bài thi cho học sinh…
Bài, ảnh: Nguyễn Trinh
Bình luận (0)