Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đưa gì vào sách giáo khoa ngữ văn mới?: Văn học yêu nước vẫn là chủ lưu

Tạp Chí Giáo Dục

Khi đánh giá chương trình ngữ văn phổ thông hiện hành, bên cạnh những quan điểm ủng hộ, thống nhất vẫn có người chưa tán thành với những tác phẩm văn học được đưa vào chọn giảng trong nhà trường.

Sách giáo khoa ngữ văn mới phải có nội dung cơ bản, thiết thực, phù hợp với đối tượng người đọc. Ảnh: Anh Khôi
Nói chương trình có quá nhiều tác phẩm tuyên truyền, ngợi ca cách mạng, đặc sệt tư tưởng chính trị là chưa thấu đáo.

Chung quy vẫn là những ý kiến cho rằng nhiều tác phẩm nặng tính giáo dục, đặc biệt là những áng văn thiên về đề tài chống giặc ngoại xâm, nâng cao tinh thần yêu nước và tự hào tự cường dân tộc. Muốn giải thích được điều này trước hết chúng ta phải nhìn lại mục tiêu đầu tiên của chương trình ngữ văn hiện hành. Đó là: Cung cấp cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, hiện đại, có tính hệ thống về ngôn ngữ và văn học; phù hợp với trình độ phát triển của lứa tuổi và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Rõ ràng, nếu không bám sát vào lịch sử nền văn học nước nhà thì khó mà thực hiện được một cách đầy đủ về mục tiêu mà chương trình đã đề ra. Trong lúc đó do hoàn cảnh của đất nước phải luôn đương đầu với kẻ thù xâm lược, liên tục chống đỡ với những thế lực từ bên ngoài nên hầu hết các tác phẩm văn học đều mang đậm chất chính sử và chất anh hùng ca. Những tác phẩm văn chương mà ông cha ta để lại cho hậu thế đều sinh ra trong hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng”, cả dân tộc đồng lòng đứng lên đánh đuổi quân thù nên không thể đứng ngoài cuộc. Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai từng đánh giá sâu sắc: “Nhìn chung văn học Việt Nam phong phú, đa dạng; nhưng nếu cần xác định một chủ lưu, một dòng chính, quán thông kim cổ, thì đó là văn học yêu nước”. Từ bài thơ Nam quốc sơn hà, đến Phú sông Bạch Đằng, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Tuyên ngôn độc lập, Việt Bắc, Tây Tiến…, tất cả đều là tấm gương phản chiếu của thời đại và lịch sử trong quá trình giữ nước. Ngay cả một số tác phẩm có sức sống lâu bền bởi giá trị nghệ thuật cũng đều đề cập đến thân phận con người, đấu tranh giai cấp mà tiêu biểu là văn học dân gian, Truyện Kiều, Chí Phèo, Tắt đèn… Tuy nhiên so với chương trình văn học trích giảng những năm của thế kỷ 20, nhiều tác phẩm văn học về đề tài chống giặc ngoại xâm đã không còn có chỗ đứng lâu dài trong sách giáo khoa nữa. Điều này cũng rất phù hợp với hoàn cảnh đất nước hòa bình không còn chiến tranh như trước. Các bài thơ như Á tế á ca, Bài ca chúc Tết thanh niên, Bài ca yêu nước, Cấy đêm, Dáng đứng Việt Nam, Ta đi tới… và nhiều tác phẩm văn xuôi khác, nhất là những tác phẩm thuộc dòng văn học hiện thực phê phán như Bước đường cùng, Sống chết mặc bay… chỉ còn là ký ức của một thế hệ học sinh trước đây. Trong lúc đó nhiều văn bản chủ yếu thuộc trào lưu văn học lãng mạn trước đây nằm ngoài chương trình hoặc đã từng bị phê phán thì nay đã được các nhà biên soạn đưa vào giảng dạy. Cụ thể như: Tây Tiến, Vội vàng, Tràng giang, Đây thôn Vĩ Dạ, Số đỏ, Tôi yêu em, Hai đứa trẻ, Chữ người tử tù... Ngay các đoạn trích trong Truyện Kiều cũng được thay đổi gần như toàn bộ để phù hợp với hoàn cảnh sống của người học hơn. Bên cạnh đó nhiều văn bản nhật dụng cũng đã được đưa vào chương trình để mang đậm hơi thở của cuộc sống hơn.

Rõ ràng, nói chương trình có quá nhiều tác phẩm tuyên truyền, ngợi ca cách mạng, đặc sệt tư tưởng chính trị là chưa thấu đáo. Chỉ có điều do mục tiêu môn ngữ văn mới theo hướng đề cao việc hình thành và phát triển năng lực ngữ văn mà trước hết là năng lực giao tiếp với việc sử dụng thành thạo 4 kỹ năng: đọc, viết, nghe, nói nên khi dạy giáo viên cần khai thác nhiều hơn giá trị nghệ thuật, tài năng tác giả, biết hướng học sinh tới các giá trị chân-thiện-mỹ thay vì quá đi sâu vào việc phân tích nội dung và chức năng giáo dục. Bởi vì nếu gạn lọc những tác phẩm tiêu biểu của nền văn học Việt Nam thì người học sẽ khó hình dung được diện mạo của nền văn học nước nhà mà trong đó văn học yêu nước luôn là dòng chảy chính. Kiến thức cơ bản, hệ thống nhưng phải thiết thực, tránh kinh viện hàn lâm, quan trọng là phù hợp với sở thích và nhu cầu người học. Tất cả cần sự linh hoạt, ứng biến qua năng lực đứng lớp của người thầy trước một tác phẩm văn học. Có như vậy mới tạo nên chất xúc tác để gây được nhiều hứng thú và niềm đam mê cho người học và cả người dạy bộ môn này.

Hoàng Ngọc Thái

Bình luận (0)