Doanh nghiệp (DN) không chỉ là môi trường cho sinh viên thực tập mà còn là địa chỉ nhà trường trông cậy góp ý, phản hồi và thẩm định về chương trình đào tạo.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh (Chi cục trưởng Chi cục Thuế Q.Thủ Đức) trao đổi tại buổi gặp gỡ giữa Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức với các DN |
Đó là mong mỏi của lãnh đạo trường, khoa và đội ngũ nhà giáo Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức đối với các DN hợp tác tiếp nhận sinh viên thực tập, tư vấn hướng nghiệp, xây dựng chương trình đào tạo…
DN không dạy lại kiến thức
Nhiều năm tiếp nhận sinh viên thực tập nghề cơ khí, ông Thái Văn Thành (Giám đốc Công ty cơ khí Đại Thành) đúc kết: Bên cạnh những sinh viên siêng năng, ham học hỏi thì cũng có không ít sinh viên biếng nhát, chưa ngoan ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động công ty và kết quả học tập. Tuy nhiên, DN cũng có cách uốn nắn, sinh viên dần dần thay đổi tư duy, thái độ học tập và làm việc. Ông Thành cho rằng nhận sinh viên thực tập tức là nhận người vào làm việc cho mình, vì vậy phải có trách nhiệm đào tạo để trở thành người có năng lực. “Chúng tôi không ngại sinh viên ra trường sẽ đi chỗ khác làm việc. Ở đâu có môi trường làm việc tốt, đồng lương cao thì các bạn có quyền lựa chọn. Tuy nhiên, dù làm việc ở đâu các bạn cũng nên có ý thức tôn trọng DN, tạo uy tín cho mình”, ông Thành chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Vĩnh (Chi cục trưởng Chi cục Thuế Q.Thủ Đức, TP.HCM) tỏ ra không hài lòng với tấm giấy giới thiệu của trường mà sinh viên mang đến, bởi như thế chẳng khác nào trường để sinh viên tự tìm nơi thực tập. “Để tránh phiền hà cho hai bên, hàng năm, Chi cục Thuế đều có văn bản đề nghị nhà trường có hướng dẫn, theo sát thời gian thực tập của sinh viên, bởi không phải phòng, ban nào cũng tiếp nhận, phân bổ cho sinh viên ngồi làm việc”, ông Vĩnh cho biết. Đề cập đến nội dung thực tập, ông Vĩnh đề nghị khi đưa sinh viên đến thực tập, lãnh đạo khoa phải chuẩn bị đề cương cụ thể, qua đó có báo cáo mức độ hoàn thành công việc vào cuối ngày, cuối tuần và cuối khóa. Đây chính là thước đo hiệu quả trong thời gian thực tập mà rất nhiều trường còn lơ là.
Trong khi đó, ông Trịnh Văn Khanh (Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư xây dựng công trình Vân Khánh) kỳ vọng trong thời gian thực tập, DN không phải dạy lại kiến thức ở trường mà dạy để sinh viên biến kiến thức đó thành sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Lý (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) thừa nhận nhiều năm trước tìm nơi cho sinh viên thực tập không dễ, nhất là ngành tài chính kế toán. Trung bình mỗi lớp 40 sinh viên, trong khi mỗi nơi chỉ có thể tiếp nhận 1-2 em. Một số sinh viên gia đình có công ty, hay quen biết nhưng nhà trường muốn các em có một quá trình thực tập bài bản để có thái độ tiếp nhận công việc sau này một cách tốt nhất nên không đồng ý cho thực tập ở những nơi này.
Lắng nghe ý kiến sinh viên
Ông Nguyễn Hồng Phúc (Công ty TNHH Saotop Group) đánh giá: So với nhiều năm trước, hiện nay sinh viên đến công ty thực tập khá tự tin, điều đó chứng tỏ chương trình đào tạo của trường đã “lột xác”. Tuy nhiên, những buổi gặp gỡ, trao đổi giữa nhà trường và DN cũng rất cần sự tham gia của sinh viên, qua đó những mong mỏi của các em sẽ được nhà trường và DN tiếp thu, điều chỉnh. “Bản thân sinh viên phải xác định mục tiêu, lý tưởng sống, có đam mê thì mới dẫn dắt các em thành công với nghề”, ông Phúc nói.
Cùng quan điểm với ông Phúc, đại diện Công ty Cung ứng lao động xuất khẩu Sao Việt khẳng định khoảng 10 năm trước, tuyển một sinh viên mới ra trường làm được việc rất khó. Sinh viên dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn, hay dễ thay đổi công việc. Hiện nay, sinh viên ra trường làm được việc một phần nhờ có thời gian thực tập, rèn luyện tác phong, thái độ ở môi trường DN.
Bà Nguyễn Thị Lý ghi nhận sự đóng góp của DN trong nhiều năm qua khi đã đồng hành với nhà trường để sản phẩm đào tạo được xã hội công nhận. Đồng thời bà kỳ vọng sinh viên luôn xem nơi thực tập như ngôi nhà thứ hai của mình, thường xuyên trau dồi đạo đức, trách nhiệm và cố gắng học tập để tìm kiếm công việc nuôi sống bản thân.
T.Anh
Hãy bắt đầu công việc lớn bằng những việc đơn giản nhất
Bà Nguyễn Thị Lý (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) thông tin, mới đây có đoàn Việt kiều Đức đến thăm và làm việc với trường. Họ là những người được học bổng du học từ trước 1975. Khi ra trường, họ vào xưởng làm việc, bắt đầu từ công việc lau chùi, dọn dẹp trong một thời gian dài. Nhờ vậy mà họ có được tác phong, thái độ và kỹ năng chuyên môn, an toàn lao động. “Chúng tôi muốn sinh viên hãy bắt đầu công việc to tát bằng những việc làm đơn giản nhất”, bà Lý nói.
Bình luận (0)