Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bác Hồ trong ký ức của HS miền Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Được ra miền Bắc rèn luyện và học tập là niềm vinh dự lớn lao của hàng ngàn con em HS miền Nam sau năm 1954. Một niềm tự hào của nhiều HS, SV sống trên đất Bắc mà không phải ai cũng có được là một vài lần may mắn được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhà giáo Nguyễn Thị Đông Mai (bên phải, thứ hai từ trên xuống) gặp Bác tại Trường Nữ sinh Trưng Vương Hà Nội năm 1955 (ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)

Dù thời gian đã đi qua hơn nửa thế kỷ nhưng nhiều thầy cô giáo là cựu HS miền Nam vẫn giữ mãi những ký ức đẹp đẽ về những lần được tiếp xúc với Bác Hồ – vị Chủ tịch nước đầu tiên của chế độ dân chủ cộng hòa.

Những giây phút đáng nhớ của cuộc đời

Do phải ở lại nội thành để tiếp tục hoạt động trong Mặt trận Bảo vệ hòa bình tại Sài Gòn nên nhà giáo Nguyễn Hữu Danh – nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Q.5, TP.HCM không đi chung một chuyến tàu với các bạn cùng trang lứa để ra Bắc học tập vào năm 1954. Phải chờ đến 1 năm sau, chàng trai gần 20 tuổi mới được tổ chức bố trí chuyến đi sau cùng vào năm 1955. Ông Danh nhớ lại: “Không như bạn bè khác, sau khi ra đến Hà Nội tôi tham gia lực lượng thanh niên xung phong cải tạo cuộc sống mới ở các tỉnh phía Tây Bắc của đất nước. Và đây chính là cơ hội để tôi được may mắn vào Chủ tịch phủ tại Hà Nội để gặp Bác Hồ”. Nói sao hết niềm vui của người thanh niên lần đầu tiên được ưu ái vào thăm nơi làm việc của Người. Ông Danh vẫn không quên những giờ phút đó dù thời gian đã hơn nửa đời người: “Ngoài đoàn chúng tôi vào thăm còn có các em nhỏ theo ba má từ miền Nam ra đang học các lớp dưới”. Theo nhà giáo Nguyễn Hữu Danh, sau này ông mới biết đây là ý nguyện của Bác Hồ khi nghe tin có nhiều con em cán bộ miền Nam vừa theo tàu ra Bắc học tập. Dù nơi đây hòa bình mới lập lại và bận trăm công ngàn việc nhưng Bác Hồ vẫn luôn nhớ đến đồng bào trong đó và ưu tiên nhất cho các cháu thiếu niên nhi đồng miền Nam: “Lúc đó chúng tôi xác định chỉ đi 2 năm rồi trở về quê hương sau khi tổng tuyển cử nên Bác căn dặn dành thời gian học hành để mai mốt về lo cho miền Nam”. Kỷ niệm lần vào Phủ Chủ tịch đầu tiên mà ông nhớ mãi là sau khi trò chuyện thân mật, Bác cho mỗi cháu một chiếc bánh quy bơ: “Sau cùng chúng tôi còn được Bác chiêu đãi một bộ phim của Liên Xô cũ ca ngợi tình yêu của đôi trai gái trên quê hương Xô Viết rất cảm động và giàu tính nhân văn”.

May mắn tiếp tục đến với ông 2 năm sau lại được gặp Bác Hồ khi mới bước chân vào Trường Trung cấp Sư phạm TW: “Biết tin Bác đến, chúng tôi chuẩn bị ra sân trường xếp hàng ngang để đón nhưng chờ mãi không thấy. Một lúc sau có người báo chúng tôi mới biết Bác đến từ lâu nhưng không vào gặp thầy trò trước mà xuống thẳng bếp ăn tập thể, nhà vệ sinh, nhà tắm của ký túc xá. Thì ra Bác đi kiểm tra những nơi mà ít người để ý xem thực tế như thế nào. Sau đó Bác có nhắc nhở nhà trường nơi ăn chốn ở của các thầy giáo tương lai cần phải sạch sẽ, ngăn nắp hơn”. Cũng theo lời kể của nhà giáo Nguyễn Hữu Danh, lần gặp thứ ba khi đó ông đã là sinh viên năm cuối chuẩn bị ra trường nên Bác Hồ nhắc nhở do thiếu giáo viên ở cơ sở nên ngoài chuyên môn chính SV cần phải học thêm các môn học khác như nhạc, họa, thể dục để sau này có đủ người dạy: “Người giao trách nhiệm cho chúng tôi thay mặt Đảng và Nhà nước về những nơi khó khăn nhất để đào tạo được một thế hệ HS chế độ mới ưu việt. Người khuyên tất cả chúng tôi khi ra trường phải biết gương mẫu để HS noi theo”.

In sâu lời dạy của Người

Nhà giáo Trần Tố Nga (đứng thứ hai từ phải sang) trong lần gặp Bác Hồ (ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)

Kỷ niệm mà nhà giáo Nguyễn Thị Yến Thu – Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM nhớ nhất trong lần duy nhất gặp được Chủ tịch Hồ Chí Minh là khi đang học Khoa Văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Bây giờ tuổi đã ngoài 70 nhưng giây phút gặp Bác ở hội trường của Trường Sư phạm thì bà không thể nào quên: “Bác vào thăm trường chúng tôi đúng dịp Tổng thống Xô-ma-li sang thăm Việt Nam sau khi miền Bắc hòa bình mới lập lại”. Điều vinh dự đã đến với cô nữ sinh quê ở Nam bộ là được ôm hoa lên tặng Bác Hồ: “Toàn bộ SV  Khoa Văn được nhà trường cử ra đón Bác. Ban chủ nhiệm khoa  chọn 4 nữ SV lên tặng hoa cho các quan khách nhưng do tôi thấp hơn 3 bạn khác nên được đứng đầu tiên”. Vừa kể bà vừa cười vui vẻ: “Không ngờ chiều cao khiêm tốn của tôi lúc đó lại là ưu điểm vượt trội nhất”. Niềm vui sướng nhất là khi bà được Bác Hồ hỏi thăm rất cặn kẽ: “Khi biết tôi là HS miền Nam Bác khuyên: “Cháu là HS thì phải phấn đấu thật tốt, có nhiều cố gắng hơn”. Sau đó Bác dặn toàn trường phải đoàn kết, có ý thức tổ chức kỷ luật, học đi đôi với hành, thầy cô phải thương yêu học trò. Bác khen nhà trường đang đào tạo 800 HS miền Nam và 200 HS dân tộc ít người và động viên phải đào tạo số lượng nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Nhà giáo không có tượng đồng bia đá nhưng được nhân dân ghi công như vậy cũng tốt rồi”.

Một lần đến nhà của nhà giáo Nguyễn Thị Đông Mai – hội viên Hội Cựu giáo chức TP.HCM, tôi đã nhìn thấy bức hình nổi tiếng Bác Hồ đang nói chuyện với nữ sinh Trường Trưng Vương sau khi thủ đô Hà Nội mới được tiếp quản. Bà Đông Mai xúc động kể: “Dù chỉ được gặp Bác một lần nhưng tôi lại có may mắn được chụp hình chung với Bác và tấm hình đó đến nay vẫn là kỷ vật quý giá nhất trong cuộc đời và cả gia đình tôi”. Đó cũng là tâm sự của nhà giáo Trần Tố Nga – nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM khi nhắc đến tấm hình duy nhất được chụp chung với Bác Hồ trong những ngày sống trên đất Bắc. Sau này khi trở về miền Nam hoạt động, dù phải đối đầu với mọi gian khổ hay đứng trước lưỡi lê mũi súng quân thù trong chốn lao tù, bà Tố Nga vẫn đinh ninh lời dặn của Bác luôn trung thành với lý tưởng mà mình đã chọn để đem lại hòa bình cho đất nước và hạnh phúc của nhân dân.

Ngọc Quang

Bình luận (0)