Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Phong độ rất quan trọng trong thi cử

Tạp Chí Giáo Dục

Để giúp các em học sinh chuẩn bị thật tốt tâm lý trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và THPT quốc gia 2016, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam) xung quanh vấn đề này.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn đang tư vấn tâm lý cho học sinh lớp 9 trong chương trình Tư vấn học đường 2016 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức. Ảnh: N.Anh

PV: Thời tiết nắng nóng ảnh hưởng lớn đến việc ôn tập của học sinh. Vậy nhà trường và phụ huynh cần phải làm gì để giúp các em ôn luyện tốt, thưa ông?

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Việc thi vào những ngày nắng nóng sẽ khiến học sinh rơi vào trạng thái mệt mỏi khi không cân bằng được nhiệt bên ngoài và bên trong cơ thể. Chính trong thời tiết “ấm nóng” như vậy rất cần sự “hạ nhiệt” từ phía nhà trường, gia đình để giúp các em cảm thấy thoải mái mỗi khi học tập. Thứ nhất, hạn chế những áp lực: một số phụ huynh và thầy cô giáo có xu hướng vì quá lo nên luôn nhắc đến kỳ thi một cách vô cùng quan trọng, thể hiện sự lo lắng và bất an. Tâm lý này nhanh chóng lây lan đến các sĩ tử. Vì vậy, phụ huynh và thầy cô giáo hãy trấn an các em: “Con đừng lo! Thi cử đơn giản mà”, “Đây là cơ hội cho em…”. Tuy vậy, cũng đừng khuyên nhủ lặp đi lặp lại những trăn trở trên khiến các em đứng ngồi không yên. Cần cho các em có những không gian riêng để học tập và ôn luyện. Thứ hai, nguồn thực phẩm – dinh dưỡng trong mùa nắng nóng vô cùng quan trọng, có thể mua các loại hoa quả, trái cây, sữa để các em bổ sung giữa giờ, nhắc nhở con cái về việc cần cân bằng giữa học hành và nghỉ ngơi. Thứ ba, một môi trường mát mẻ sẽ giúp các em học tốt hơn, không gian thoáng, có cây xanh sẽ giúp kích thích tư duy, tập trung trí nhớ lâu hơn, nhất là hạn chế việc mỏi mắt.

Để ôn luyện tốt, các em nên áp dụng những thủ thuật ghi nhớ sau: ghi nhớ ý nghĩa – ghi nhớ theo điểm tựa, ghi nhớ logic, ghi nhớ liên tưởng… Điều này sẽ bớt đi áp lực cố gắng nhớ. Hơn nữa, những công cụ nhớ rất quan trọng như sơ đồ tư duy, từ khóa, mô hình hóa sẽ giúp các em nhớ lâu hơn.

Theo ông, các em nên làm gì để đảm bảo sức khỏe khi ôn tập và phân chia thời khóa biểu sao cho hợp lý?

– Một số học sinh cho rằng đây là thời điểm nước rút, tất cả phải tập trung sức lực cho chặng cuối nên lao vào việc học mà quên đi ăn uống, nghỉ ngơi, có khi sẽ tạo nên con dao hai lưỡi. Thứ nhất, sức khỏe không đảm bảo để tập trung, thêm nữa có thể đổ bệnh trong những thời điểm quyết định. Chính vì vậy, cần có sự cân bằng, một đêm ngủ ít nhất 5 giờ để nạp lại năng lượng, cho trí não khôi phục lại sau một ngày học tập căng thẳng, buổi trưa chợp mắt một chút cho thoải mái. Thứ hai, về mặt dinh dưỡng cũng cần được lưu tâm: không nên lạm dụng các loại thuốc an thần và bổ sung cho trí não, cũng không nên ăn các loại thực phẩm lạ vì có thể gây kích ứng cơ thể. Thay vào đó lựa chọn các loại trái cây, sữa để bổ sung chất. Cuối cùng, việc phân chia thời gian hợp lý cũng vô cùng quan trọng, giúp các em biết định khoảng thời gian ăn, nghỉ và không lạm dụng sức khỏe của chính mình. Biết cân bằng, xác định khoảng thời gian học tập hiệu quả trong ngày, đó là một trong những cách hữu hiệu để có thể vừa ôn thi tốt lại vừa có sự khỏe mạnh.

Theo ông, để có tâm lý tốt, các em cần thực hiện những gì? Trong thời gian giãn cách giữa các môn, các em có nên ôn tập tiếp hay nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng?

– Phong độ rất quan trọng trong thi cử. Do đó, các em hãy giữ cho mình sức khỏe và điểm rơi phong độ đúng vào những ngày thi vì đó là điều quan trọng để sĩ tử có sức “chiến đấu”. Việc dồn sức quá mức để ôn và có thể quỵ vào những ngày cuối cùng rất có thể xảy ra. Quan trọng nhất trong một kỳ thi là tâm lý các sĩ tử thực sự vững vàng – vững vàng ở đây là gì? Là khi các em bước vào phòng thi thoải mái, không quá quan trọng, lo lắng về kết quả, xem đây như là một trong những cách để bản thân trưởng thành hơn. Tuy nhiên, không phải thí sinh nào cũng giữ được điều này. Một trong những điều quan trọng là giữ tâm lý thoải mái, trước ngày thi cần nghỉ ngơi, có một giấc ngủ sâu để trí não thực sự tỉnh táo.

Trong thời gian giãn cách giữa các môn thi cần sự nghỉ ngơi, thực tế một số thí sinh lo lắng và liên tục ôn lại bài trong trạng thái lo âu thì lượng kiến thức nạp vào không được bao nhiêu; không những vậy có khi các em còn quên đi lượng kiến thức mình đã nắm vững từ những ngày trước. Thay vào đó có thể nói chuyện, chia sẻ cùng mọi người, nghe một bài hát, xem một đoạn video hài để thực sự thoải mái.

Thí sinh làm thủ tục trước khi thi tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Ảnh: A.Khôi

Các em có nên để cha mẹ hoặc người thân đưa đi thi không, thưa ông?

– Mỗi thí sinh có một sự lựa chọn riêng, quan trọng nhất là các em cảm thấy thoải mái an tâm khi bước vào phòng thi; nếu nhà xa địa điểm thi thì có thể để cha mẹ hoặc người thân chở đi, vì còn chăm lo sức khỏe cho giờ nghỉ giữa hai buổi thi. Còn nếu nhà gần, ở ngôi trường các em học, các thí sinh đã quen với sơ đồ và mọi thứ thì có thể tự di chuyển. Điều quan trọng nhất là các em cảm thấy thoải mái. Các bậc cha mẹ hãy chia sẻ và nói với con về việc mình muốn đi cùng. Nếu đi cùng, đừng bao giờ làm con bị căng thẳng, áp lực hay đừng đẩy con vào những tình huống phạm quy trường thi vô tình đến buồn cười: gọi điện khi con chưa ra khỏi phòng thi, làm con phân tâm khi dặn dò những cách ứng xử không phù hợp như vẽ vào bài thi, ghi các câu từ khơi lòng nhân ái…

Tầm quan trọng của việc ổn định tâm lý thi đối với các em như thế nào, thưa ông?

– Điều quyết định kết quả trong một kỳ thi đôi khi không phải là năng lực học tập mà chính là tâm lý ổn định khi bước vào kỳ thi. Không phải tất cả thí sinh đều tự tin khi bước vào kỳ thi, điều này cần được rèn luyện và củng cố thường xuyên thông qua các kỳ thi.

Khi các em ổn định tâm lý sẽ đưa ra những quyết định sáng suốt, tỉnh táo trong phòng thi: ví dụ như lựa chọn thứ tự câu hỏi khó dễ để làm, ghi nhớ được thông tin chính xác, tự tin khi đứng trước những dạng câu hỏi khác nhau. Khi trạng thái tâm lý ổn định và thoải mái thì tin chắc rằng kết quả làm bài thi của các em sẽ tốt và đánh giá được chính xác năng lực của mình ở thời điểm hiện tại.

Sự ổn định tâm lý còn thể hiện ở sự tự tin, tin vào chính mình, nhanh chóng thích nghi với trường thi, tránh việc so sánh mình với các bạn hay so sánh với bạn nổi bật xin giấy làm bài liên tiếp, thí sinh về sớm… Hãy là chính mình và hết mình với hoạt động cá nhân để không nói câu hối tiếc.

Bích Vân (thực hiện)

Bình luận (0)