Trong những năm qua, trà sữa đã trở thành loại nước giải khát được mọi lứa tuổi ưa chuộng, nhất là trẻ em. Tuy nhiên, nếu lạm dụng trà sữa thường xuyên, trẻ thừa cân sẽ có nguy cơ béo phì, còn trẻ suy dinh dưỡng lại suy dinh dưỡng hơn. Chưa kể trà sữa trân châu còn gây nguy cơ hóc dị vật đường thở rất nguy hiểm cho trẻ.
Bác sĩ khuyến cáo không nên cho trẻ uống trà sữa mỗi ngày, vì sẽ khiến trẻ thừa cân béo phì và gây biếng ăn ở trẻ suy dinh dưỡng |
Uống 1 ly trà sữa: Trẻ cần đi bộ nhanh 8km/giờ
Trà sữa vốn là nước giải khát, nên người sử dụng uống vừa để bớt khát nước, vừa có thể nhâm nhi thưởng thức vị ngon của nó. Đâu biết rằng để tiêu hao năng lượng sau khi uống 1 ly trà sữa, trẻ thừa cân phải đi bộ 8km/giờ với tốc độ nhanh. Theo lý giải của bác sĩ Chuyên khoa 1 Đào Thị Cẩm Thùy (Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM), nguyên vật liệu để làm nên ly trà sữa gồm cốt trà, bột kem sữa, đường cát, thêm trân châu, bánh pudding, thạch… 1 ly trà sữa thông thường trên thị trường có dung tích trung bình khoảng 400ml bao gồm 200ml cốt trà, 50g bột kem sữa, 40g đường, 200g đá xay. Với thành phần như vậy, 1 ly trà sữa cung cấp đến 400kcal, với thành phần dinh dưỡng gồm 14g protein, 13g lipid, 57g glucid…
Do đó, 1 ly trà sữa có hàm lượng dinh dưỡng tương đương với 1 tô phở bò giá 30 ngàn đồng (300kcal), 2 ổ bánh mì thịt nguội pate (300-400kcl), 2 ly cà phê sữa loại 350ml (360-400kcal), 2 chén cơm trắng 50g gạo (380kcal). Do có hàm lượng dinh dưỡng cao, nên khi sử dụng trà sữa thường xuyên, năng lượng lớn trong ly trà sữa sẽ góp phần làm cho tình trạng béo phì ở trẻ thừa cân trở nên nặng nề hơn. Bác sĩ Thùy lưu ý, đối với trẻ thừa cân, muốn tiêu hao 400kcal sau khi uống 1 ly trà sữa thì cần phải đi bộ nhanh với vận tốc 8km/giờ liên tục trong 60 phút (nhanh gấp 2 lần so với đi bộ thông thường). Nhưng thực tế hầu như không có trẻ thừa cân béo phì nào làm được điều này. Chính vì lẽ đó, nếu hằng ngày nạp vào cơ thể từ 400-800kcal (1 đến 2 ly trà sữa) sẽ làm gia tăng nguy cơ thừa cân béo phì rất nhanh ở trẻ thừa cân, vì các em chưa có ý thức về việc vận động rèn luyện cơ thể.
Nếu 400kcal từ 1 ly trà sữa được dung nạp thường xuyên có thể làm cho tình trạng béo phì nặng thêm ở trẻ thừa cân, thì đối với trẻ suy dinh dưỡng, mức năng lượng này tuy nhiều nhưng chỉ là “năng lượng rỗng”. Điều đó có nghĩa là 1 ly trà sữa chỉ cung cấp năng lượng thuần túy chứ không đảm bảo thành phần dinh dưỡng cân đối đủ 4 nhóm thực phẩm (đạm – đường – béo – xơ) cho cơ thể trẻ.
Cẩn trọng với nguy cơ hóc dị vật đường thở
Theo khuyến cáo của bác sĩ Thùy, điều đáng lo là hầu hết các nơi bán trà sữa đều dùng nguyên liệu mua ở chợ, tiệm tạp hóa nhưng nguồn gốc và xuất xứ thì không in trên bao bì (không rõ nguồn gốc). Những nguyên liệu này nhìn chung có chứa những chất phụ gia công nghiệp, hóa chất không tốt cho sức khỏe. Do đó, để đảm bảo an toàn cho loại thức uống này, các gia đình có thể tự làm bằng tinh trà và sữa; còn trân châu có thể làm từ bột năng, bột lọc và rau câu có thể làm từ rong biển. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho trẻ em cũng như người lớn, việc thưởng thức trà sữa không nên duy trì ở mức độ thường xuyên, mỗi ngày mỗi uống.
Thực tế đã từng xảy ra trường hợp trẻ bị hóc dị vật đường thở khi uống trà sữa, do đó bác sĩ Thùy lưu ý trong mỗi ly trà sữa có nhiều hạt trân châu, hạt rau câu đi kèm với ống hút (đường kính lớn) và hầu như người lớn, trẻ con khi uống trà sữa đều thích dùng ống hút dạng này. Dưới áp lực hút mạnh, những hạt trân châu với đường kính khá lớn có thể chui tọt vào và mắc lại ở hầu họng, khí quản của trẻ gây ra tình trạng dị vật đường thở. Nếu không cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong vì suy hô hấp. Vì vậy, khi trẻ sử dụng trà sữa trân châu cần có sự giám sát của người lớn cũng như chọn loại trân châu hạt nhỏ, nếu hạt to thì nên cắt nhỏ rồi hãy cho bé uống. Ngoài ra, điều phụ huynh cần lưu ý nữa là nếu không có thời gian thực hiện món “trà sữa nhà làm”, thì nên hướng dẫn con chọn mua trà sữa ở hàng quán sạch sẽ, nguyên vật liệu được đựng trong hộp có nắp đậy, tránh ruồi nhặng, được che đậy kỹ tránh khói bụi xung quanh để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.
Bích Vân
Bình luận (0)