Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Nhu cầu nhân lực ngành năng lượng tăng cao

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Với tiềm năng phát triển lớn trong những năm tới, thị trường lao động trong ngành điện, năng lượng dự báo sẽ khởi sắc sau một thời gian dài trầm lắng.

Có đến 9/17 dự án đầu tư về điện mặt trời và điện gió triển khai tại Bình Thuận trong năm 2017 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Có đến 9/17 dự án đầu tư về điện mặt trời và điện gió triển khai tại Bình Thuận trong năm 2017. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Hướng năng lượng mới
Tháng 10.2017, Công ty Navigos Group VN công bố đánh giá về thị trường tuyển dụng trong 3 quý của năm 2017. Theo đó, sắp tới liên tiếp các dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời và điện mặt trời của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ xây dựng ở nhiều địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, ngành điện than dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện cho sản xuất và sinh hoạt không ngừng tăng cao ở VN. Với tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, thị trường lao động trong ngành điện, năng lượng hứa hẹn sẽ khởi sắc.
Vừa qua, một dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời công nghệ màng mỏng có vốn đầu tư 1,2 tỉ USD tại khu công nghiệp Đông Nam (H.Củ Chi, TP.HCM) đã được tái khởi động. Dự án này được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 1.2011, khởi công tháng 3.2011. Tuy nhiên, sau 8 tháng, chủ đầu tư công bố tạm dừng thực hiện dự án do sự mất cân bằng cung – cầu về sản phẩm pin năng lượng mặt trời trên thị trường toàn cầu. Hiện tại, trước nhu cầu mới, dự án tái khởi động, kéo theo nhu cầu nhân lực lớn. Tại Bắc Giang, dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời ở khu công nghiệp Quang Châu với vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD cũng đang được xây dựng.
Năm 2017 cũng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của điện mặt trời và điện gió. Trong năm này, có đến 9/17 dự án đầu tư về 2 loại năng lượng này triển khai xây dựng tại tỉnh Bình Thuận với tổng vốn đăng ký đầu tư 21.013 tỉ đồng. Tại Bình Định cũng khởi động dự án điện mặt trời và điện gió Fujiwara với tổng vốn đăng ký đầu tư 63,69 triệu USD. Cùng với đó có 2 tỉ USD được đầu tư vào trang trại điện gió tại Sóc Trăng.
Nhu cầu tăng, nhân lực thiếu
Ngoài sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực năng lượng tái tạo, các loại năng lượng được sử dụng từ trước tới nay (thủy điện, điện than, dầu khí…) vẫn cần nhân lực. Trên các trang tuyển dụng nhân sự, số lượng kỹ sư nhóm ngành năng lượng được tuyển với số lượng lớn. Tính trong vòng 30 ngày trở lại đây, có đến gần 23.000 đầu việc tuyển dụng liên quan đến kỹ sư ngành năng lượng trên trang Jobstreet.
Báo cáo của VietnamWorks cũng cho thấy nhu cầu tuyển dụng ngành điện – điện tử tăng đến 45% so với năm 2016. Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM vừa có bảng phân tích thị trường lao động năm 2017 và dự báo nhu cầu nhân lực năm 2018. Theo đó, năm 2018 dự kiến TP.HCM cần 300.000 chỗ làm, tăng 5% so với năm 2017; trong đó có 130.000 chỗ làm việc mới, tăng 4% so với năm 2017. Ngành điện – điện tử là một trong những ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất.
Báo cáo Triển vọng năng lượng VN 2017 (hợp tác giữa Bộ Công thương VN và Bộ Năng lượng, hạ tầng kỹ thuật và môi trường Đan Mạch) công bố tháng 9.2017 cũng đưa ra dự báo khá quan trọng. Theo đó, nhu cầu năng lượng tăng mạnh, dự báo đến năm 2035 tổng nhu cầu tăng gấp gần 2,5 lần so với năm 2015. Nhu cầu điện dự kiến sẽ tăng bình quân gần 8%/năm cho đến năm 2035.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, cần một đội ngũ nhân lực kỹ thuật cao, lành nghề. Nhưng hiện tại người làm nghề trong lĩnh vực này lại ít được đào tạo.
Nhu cầu nhân lực ngành năng lượng tăng cao - ảnh 2

Phòng thực hành dự án đào tạo điện tại Trường CĐ Lý Tự Trọng. ẢNH: M.QUANG

Trước tình hình này, ngoài các trường ĐH, CĐ, các doanh nghiệp cũng đã tham gia đào tạo để bổ sung nguồn nhân lực. Tập đoàn điện lực VN (EVN) đang mở rộng đào tạo nhân lực tại Trường ĐH Điện lực và CĐ Điện lực. Tại TP.HCM, theo lãnh đạo Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, công ty về quản lý năng lượng và tự động hóa Schneider Electric VN đã khai trương phòng thực hành dự án đào tạo điện tại trường này. Phòng thực hành sẽ phục vụ cho các chương trình đào tạo nghề điện cho thanh thiếu niên nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo nghề ngành công nghiệp năng lượng tại VN. Dự kiến mỗi năm có ít nhất 500 học viên được thực hiện những thí nghiệm về quản lý năng lượng. Ông Yoon Young Kim, Tổng giám đốc Schneider Electric VN, Myanmar và Campuchia, cho rằng sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao ngành điện hiện nay có thể dẫn đến các vấn đề về sử dụng năng lượng thiếu hiệu quả và kém an toàn.
Trong Chiến lược phát triển công nghiệp VN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Chính phủ đã xác định 3 nhóm ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, gồm: công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử và viễn thông, năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Trong đó tập trung phát triển các ngành trọng điểm gồm điện, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm, thủy sản, thực phẩm, đồ uống, hóa chất, dệt may, da giày, điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí – luyện kim, dầu khí.

Đăng Nguyên/TNO

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)