Y tế - Văn hóaThư giãn

“Tâm huyết trao đời – Tôi dạy học”: Một chiều khó quên

Tạp Chí Giáo Dục

Như đã hẹn, chiều ấy tôi tới thăm nhà Tam, một học sinh cá biệt con một liệt sĩ mới báo tử ở lớp tôi chủ nhiệm.

Nhà em ở một xóm nhỏ giữa cánh đồng hút tầm mắt. Con đường mòn tới nhà em vòng vèo men theo các bờ ruộng cỏn con um tùm cỏ, lại phải qua một chiếc cầu khỉ ngay sau nhà em, chỉ bắc bằng một thân cau, mỗi bên được gác lên hai cây tre vắt chéo, trên có tay vịn nối hai đầu cầu bằng một đoạn tre thon nhỏ. Ai qua cũng phải vịn tay vào đó; tôi thì tay đâu có. Qua cầu thế nào đây? Liệu có an toàn không? Nhỡ ngã thì sao nhỉ? Vừa lúc trò Cẩm dẫn đường đưa ra ý kiến:

– Thầy ơi! Hay em vào mời mẹ Tam ra gặp thầy. Thầy khỏi phải qua cầu nữa. Nguy hiểm lắm!

Tôi bảo em:

– Thầy tự đi được mà! Em chỉ cần giúp thầy mang chiếc túi xách và đôi dép là xong.

Nào ngờ, khi tôi vừa qua được quá nửa cầu thì bỗng dưng chiếc cầu tuột khối mố. Cả tôi và nửa cầu bên đó rơi tõm xuống nước.

Dòng mương không quá sâu, tôi nhanh chóng lên bờ với quần áo sũng nước. Tôi sẽ tính sao đây? Quay về hay cứ vào nhà em? Một quyết định thật khó cho tôi lúc này.

Quay về ư? Nếu vậy thì đơn giản quá. Song lời hẹn thì sao nhỉ?. Không, dứt khoát mình phải thực hiện lời hẹn. Với học sinh, điều đó đã không thể thay đổi. Với phụ huynh, điều đó càng thiêng liêng lắm. Nghĩ vậy, tôi quyết định vẫn hăm hở tiến vào sân nhà Tam.

Trước mắt tôi là ngôi nhà mái rạ đơn sơ vách đất. Mẹ Tam trong bếp vội chạy ra đón tôi. Thấy tôi ướt từ đầu đến chân, biết tôi bị sự cố trượt cầu bà tỏ ra rất ái ngại, song vẫn vồn vã đưa tôi vào nhà, mời tôi ngồi xuống chiếc chõng tre ọp ẹp, rót bát nước vối từ chiếc ấm sứt vòi mời tôi. Tôi chạnh lòng nhận ra góc học tập của Tam: chiếc bàn học chỉ là tấm phên nứa khi mưa nắng nó là tấm che cửa sổ, khi học nó được giương lên làm nơi viết. Một lát sau thì Tam từ phía sau nhà ngượng ngùng bước vào chào tôi. Cẩm cũng xuất hiện ngay sau đó. Để tôi khỏi ngạc nhiên, Cẩm nhanh nhảu:

– Thưa thầy, ngay sau khi thầy vào nhà Tam, em thấy Tam từ cây ổi sau nhà chạy tới gọi em, rồi nhanh chóng bắc lại chiếc cầu bị sự cố và sang đón em ạ!

Tôi yêu cầu hai em cùng ngồi xuống chõng. Tam nhìn tôi khép nép. Tôi biết em rất sợ tôi sẽ nói với mẹ em về những tội lỗi mà em đã vi phạm trong những tuần qua: nào chuyện không thuộc bài, không làm bài tập bị cô cho điểm 0; nào dùng nỏ cao su bắn chết con gà của thầy Dũng ở khu tập thể; nào trong lúc ngồi học dùng dây buộc tóc của Yến vào tóc của Hảo, bị bạn thưa, đã dùng kéo cắt phăng mái tóc óng mượt của bạn. Sách vở thì luộm thuộm, nhàu nát, không nhãn, không bọc; nhiều quyển bị xé nham nhở để làm giấy phất diều. Tôi nghĩ, nói những điều ấy với mẹ Tam chỉ làm cho bà buồn thêm, làm cho tình cảm mẹ con thêm căng thẳng. Vốn tính hung hăng, liều lĩnh, rất có thể Tam sẽ phản ứng cực đoan khó lường. Chính vì vậy, tôi thăm nhà em hôm nay không nhằm mục đích tố cáo em mà muốn có cơ hội để hiểu gia cảnh, giúp em nhận ra tấm lòng thầy để thay đổi nhận thức, hành vi.

Em ngỡ ngàng khi tôi bảo Cẩm lấy trong túi xách của tôi ra 5 quyển vở và bộ sách giáo khoa lớp 6 mới tinh; tất cả đều được bọc bìa và dán nhãn do tôi tự kẻ vẽ và ghi sẵn tên Tam bằng chính đôi bàn chân mình, trao tặng em. Em xúc động run run đón nhận. Đến khi tôi trao tiếp cho mẹ Tam tấm hình bố em mà tôi đã nhờ một người bạn phóng to để treo thờ từ bức ảnh mà hồi trước bố Tam đã chụp chung với một người bạn tôi trước ngày nhập ngũ, em bỗng dưng òa khóc. Chẳng cần nói gì thêm, tôi hiểu em đã thay đổi tất cả.

Tiễn tôi ra về, trước khi qua cầu, Tam kéo tôi lại nói trong nước mắt:

– Thưa thầy! Em xin lỗi thầy! Chính em đã bày ra trò làm cho cây cầu lúc nãy bị trượt, chỉ vì em sợ thầy sẽ kể tội em với mẹ. Giờ thì em đã hiểu thầy thương em như thế nào. Em hứa từ mai sẽ sửa hết mọi tội!

Ít ngày sau em tiến bộ trông thấy, tôi cho em làm lớp trưởng. Mọi chuyện tưởng êm đẹp. Nào ngờ mấy ngày sau, tôi vừa bước vào lớp, tiếng ồn ào huyên náo nổi lên. Trò Quý ôm đầu khóc nức nở; hỏi ra mới biết: Em bị Tam dùng dây lưng quất vào đầu chỉ vì tội bài tập về nhà làm dở dang. Cả lớp nhao nhao đòi “hạ bệ” Tam vì không thể chấp nhận một tân lớp trưởng hung hăng quá mức như vậy. Biết Tam rất cá tính; nếu vội vã xử lý ngay sẽ hỏng việc. Tôi quyết định vẫn bắt đầu giờ học, chỉ dàn hòa bằng mấy câu nhỏ nhẹ và hứa mọi chuyện sẽ giải quyết vào tiết sinh hoạt cuối tuần. Buổi học kết thúc, tôi hẹn Tam chiều muộn sẽ đến nhà để thầy trò cùng trao đổi. Sau đó, tôi liền nhờ Tam dẫn đến thăm nhà các bạn trong xóm. Đến nhà Quý, thấy em đang nằm đắp chăn; hỏi ra mới hay em mới bị cảm sốt từ tối qua. Mẹ em nói trong nước mắt:

– Chẳng giấu gì thầy. Cháu Quý mấy năm nay bị bệnh khớp. Có thời điểm đi phải chống gậy. Bệnh tật vậy nhưng nói về khoản học thì chăm lắm. Có đêm thấy con thức khuya quá, bảo không được, bố phải dậy tắt đèn mới chịu đi ngủ. Ai ngờ có ngày mới hai giờ sáng đã thấy Quý lẻn dậy thắp đèn học lại từ lúc nào. Tối qua đột ngột bị sốt nặng, cháu mới chịu đi nằm sớm. Nghe đâu sáng nay đến lớp, anh Tam lớp trưởng đây kiểm tra thấy bài tập về nhà làm chưa xong liền đánh vào đầu đau lắm…

Tam đứng lặng chăm chú lắng nghe, đột nhiên em cầm lấy tay Quý giọng nghẹn ngào:

– Cho mình xin lỗi bạn nhé!

Trên đường về, Tam chủ động thú nhận với tôi:

– Nghĩ lại giờ em mới thấy sáng nay em có lỗi với Quý nhiều quá thầy ạ! Không ngờ bạn ấy bệnh tật vậy mà chăm chỉ thế.

Sau buổi đó, Tam chăm chỉ gương mẫu trông thấy. Việc lãnh đạo lớp cũng tỏ ra khéo léo, đỡ “tai tiếng” hơn. Hàng tuần, em vẫn là cây kể chuyển cổ tích không thể thiếu của lớp vào buổi sinh hoạt thứ 7. Kỹ năng chủ động tự tin trước đám đông của em nhờ vậy được khẳng định mỗi ngày. Việc điều hành, tổ chức các hoạt động của lớp với Tam cũng ngày càng trở nên đĩnh đạc, hiệu quả hơn.

Từ học sinh yếu kém, em đã nhanh chóng vươn lên trung bình, rồi khá, giỏi. Tốt nghiệp đại học, em trở thành cán bộ có uy tín, địa vị tại công ty Sông Đà.

(Còn tiếp)
NGƯT Nguyn Ngc Ký

Bình luận (0)