Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trở lại Bình Minh

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ cuối: Tìm tương lai từ con chữ

Em Đặng Thị Sáu và Trần Thị Gái, Nguyễn Thị Kim Yến (từ phải sang) đang ở Làng hi vọng – Đà Nẵng

Hàng trăm đứa trẻ trong 87 gia đình có người mất trong bão Chanchu thành trẻ mồ côi. Rất nhiều trẻ trong số đó, để được tiếp tục học con chữ đã phải nuốt nước mắt vào lòng, rời xa vòng tay mẹ để đến với các trung tâm, các làng nuôi dạy trẻ mồ côi. 10 năm sau ngày ấy, những đứa trẻ đang là SV, HS theo học tại các ngôi trường với hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn!

Nuốt nước mắt đưa con đi

Trong kí ức của những người mẹ ở Bình Minh, cái ngày tiễn con vào trại trẻ mồ côi cũng đau buồn không kém nỗi đau mất chồng trong bão dữ. Bà Lê Thị Lộ, ở thôn Bình Tịnh (xã Bình Minh), vợ của ngư dân Đặng Minh mất trong bão gạt nước mắt kể lại: “Ngày ông ấy nằm lại với biển khơi, tui một nách 6 đứa con thơ dại nên đành gửi con bé áp út ra Làng hi vọng Đà Nẵng. Ngày đi, nó cứ níu áo tui khóc rấm rứt. Con cái là trái tim đập bên ngoài cơ thể cha mẹ, cho con đi khi nó mới mấy tuổi đầu, mẹ nào không đau, con khóc một thì ruột gan mẹ xót đến mười. Chừ nghĩ đến nó vẫn thấy thương nhưng cuộc sống ngặt nghèo tui còn biết mần răng”. 10 năm đưa con đến trại trẻ, bà Lộ vẫn luôn dặn hai đứa con trai lớn mỗi lần tàu cập cảng Đà Nẵng thì ghé lại thăm em. Tranh thủ vài tháng bà lại lặn lội bắt xe đò ra để thăm con, dặn dò con rồi lại lặng lẽ nuốt nước mắt quay về.

Cùng nỗi đau, bà Trần Thị Sau nghẹn ngào: “Ngày ông ấy mất, tui một nách bốn đứa con thơ. Ở miệt biển này, ngoài gánh cá thuê ngày công được vài chục ngàn ra không thể kiếm thêm gì để nuôi các con ăn học. Rứa là đành cho hai đứa đi Làng hi vọng để mong con được nuôi dưỡng, ăn học đàng hoàng hơn. Lúc còn sống, ba chúng nó lúc nào cũng trăn trở về chuyện học và tương lai các con. Trước mỗi chuyến ra khơi, ổng lại bần thần, ráng đi cho có tiền để cho con ăn học, đặng sau ni chúng đỡ vất vả hơn mình”. Nhiều năm sau ngày gửi hai đứa con vào trại trẻ, bà Sau vẫn thẫn thờ nhớ con. Bà ao ước một ngày nào đó có cuộc sống no đủ để đón con về. Điều ấy vẫn chưa thể thành hiện thực…

Ông Trương Công Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh nhẩm tính, sau đận bão, làng có khoảng 80 trẻ được các trung tâm nuôi trẻ mồ côi, các làng hi vọng khắp cả nước đón nhận. Tháng 7-2006, Làng hi vọng Đà Nẵng đón 11 trẻ. “Thực lòng không người mẹ nào muốn dứt khúc ruột của mình đi nhưng thực tế cuộc sống quá khó khăn, cho con đi để mong tương lai chúng tươi sáng hơn đời cha mẹ”.

Viết ước mơ lên lớp học

Các con em của nạn nhân bão Chanchu miệt mài học tập vươn tới tương lai tươi sáng hơn
10 năm trước, Bộ GD-ĐT cũng đã có một quyết định hợp lòng dân, đặc cách tốt nghiệp THPT cho con em nạn nhân bão Chanchu. Cùng với đó, Sở GD-ĐT Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi linh động, mềm dẻo trong vận dụng quy chế, đặc cách cho những con em ngư dân gặp nạn trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10, tạo điều kiện tối đa cho các em đến trường. Tham mưu chính quyền miễn giảm học phí và các khoản đóng góp. Sự vào cuộc của các tổ chức xã hội, ban ngành, đoàn thể… bằng những suất học bổng, chương trình bảo trợ dài hạn đã tiếp sức giúp các em đến trường.

Trong số những đứa trẻ làm cuộc “trường chinh” ra đi tìm con chữ, có những em còn rất nhỏ. Nguyễn Thị Kim Yến (HS lớp 3) ở Làng hi vọng Đà Nẵng là một ví dụ điển hình. Kém may mắn hơn nhiều anh chị khác, ngày cha nằm lại với biển khơi, Yến mới chỉ là cái bào thai ba tháng trong bụng mẹ. Sau ngày em cất tiếng khóc chào đời không lâu, em đã phải ở với bà nội. Một già, một trẻ dại bám víu vào nhau giữa bời bời gió cát, nước biển mặn chát, nước mắt cũng mặn chát. Khi chuẩn bị vào lớp 1, vì không đủ sức nuôi cháu, bà nội em đành dứt ruột đưa cháu đến Làng hi vọng với mong mỏi cháu có cơm ăn, áo mặc, được học hành. Mới 8 tuổi, Yến “già” hơn so với các bạn cùng trang lứa cả trong cách nghĩ và việc làm. Em nhanh nhẹn và tự lập. Nhắc đến nội, em rơm rớm nước mắt nhưng vẫn quả quyết: “Hồi mới ra đây ngày mô con cũng khóc đòi về. Bây giờ con lớn rồi, không đòi về nữa, sợ nội buồn. Ở đây con cố gắng học thật giỏi để sau này có việc làm, về ở cùng nội để đỡ đần cho nội khi tuổi già”.

Em Đặng Thị Sáu, một trong những em có mặt từ ngày đầu cùng các bạn đến Làng hi vọng, bây giờ Sáu đã là HS lớp 12. Sáu nhớ lại: “Hồi mới ra em khóc nhiều lắm. Mẹ hẹn đến cuối tuần đón về mà đợi mãi đến nhiều lần cuối tuần vẫn chưa được đón là khóc cả đêm không ngủ. Riết rồi mẹ bảo, con cứ học cho khá và giỏi thì được về. Thế là em chăm chỉ năm nào cũng được HS khá, giỏi”. 10 năm đằng đẵng với những lời “hứa” của mẹ, bây giờ Sáu đang tất bật ôn thi THPT và dự định theo học ngành giáo dục mầm non, Trường ĐHSP Đà Nẵng. Sáu nói: “Chừ em mới hiểu, mẹ khuyến khích em học tập cũng chỉ vì tương lai của em. Em thương mẹ nhiều hơn. Nếu em ở nhà thì sẽ đỡ đần việc nhà phần nào cho mẹ nhưng mẹ không chọn lựa điều đó, mẹ đã chọn tương lai của em”.

Không chỉ có những em như Yến, Sáu đang là những HS có thành tích học tập khá, tốt. Mà nhiều em trong số đó đã trở thành SV và ra trường có việc làm ổn định. Ông Trương Công Bảy bấm đốt ngón tay, trong số con em của 87 ngư dân nằm lại biển trong bão Chanchu, có khoảng 10 em đã tốt nghiệp ĐH, 20 em theo học CĐ, TCCN và đã có việc làm ổn định, số khác đang xuất khẩu lao động ở nước ngoài”.

Tháng 5, những đứa con xa xứ của làng chài xã Bình Minh đang tất bật trở về, cùng gia đình sửa soạn mâm cơm trắng, thắp nén nhang bên ngôi mộ gió để tưởng nhớ 10 năm người thân mình nằm lại với biển khơi. 10 năm qua, có lẽ họ cũng không hình dung được những đứa con thơ của mình đã phải đánh vật với cuộc sống như thế nào với giấc mơ con chữ nhưng nhìn thành quả học tập của các con, hẳn nỗi đau nguôi ngoai rất nhiều, thay cho niềm hi vọng về tương lai của thế hệ trẻ!

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)