Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Cần có điểm sàn cho các trường chưa kiểm định

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đề cập đến điểm mới bỏ điểm sàn trong tuyển sinh năm 2017, GS. Nguyễn Quý Thanh (Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cho biết: Điểm sàn được dùng làm căn cứ để trường ĐH sàng lọc và tuyển chọn người học. Nó chính là tiêu chuẩn tuyển sinh tối thiểu được nhắc đến nhiều trong chính sách về tuyển sinh ĐH của nhiều nước.

Thí sinh xem lại đề thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: M.Tâm

Theo GS. Thanh, điểm sàn hay nói rộng hơn là tiêu chuẩn tuyển sinh tối thiểu ở các nước khá đa dạng. Đó có thể là một mức điểm của bài thi tuyển sinh hoặc một mức điểm của bài thi chuẩn hóa hoặc điểm trung bình chung học tập; thậm chí đó là yêu cầu phải học và tích lũy được tín chỉ của một số môn quan trọng nếu chương trình giáo dục phổ thông quá khác nhau giữa các trường. Thí dụ, trong tuyển sinh ĐH ở Đức, Thụy Điển, Brazil, Trung Quốc… và nhiều bang tại Mỹ, các cơ quan quản lý giáo dục đưa ra các mức điểm sàn dưới các hình thức khác nhau. Trong khi đó, ở các nước việc “tuyển sinh mở” áp dụng khi học sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện học lực để tuyển vào học ĐH.

Mặc dù việc bỏ điểm sàn là bước đi nhằm tăng quyền tự chủ của trường ĐH, nhưng trong khi trường ĐH chưa thực sự chứng tỏ được về năng lực thực tế để thực hiện quyền tự chủ và quản lý chất lượng thì sự lo lắng của xã hội là có cơ sở.

Theo một nghiên cứu của Ủy ban Giáo dục và Văn hóa Nghị viên châu Âu (Cecile H. McGrath và những người khác, 2014) cho thấy chỉ có 5 nước (trong số 16 quốc gia châu Âu và 3 nước đối sánh là Nhật Bản, Úc và Mỹ) thực hiện tuyển sinh mở. Như vậy, hầu hết các nước đều áp dụng cơ chế tuyển chọn (selection), chính vì vậy họ đều áp dụng mức điểm hoặc tiêu chuẩn tối thiểu. Suy cho cùng, ở nước ngoài yêu cầu “tốt nghiệp THPT” cũng là một hình thức điểm sàn. Bởi vì, để tốt nghiệp THPT, học sinh các nước đó phải thi đạt và tích lũy đủ số tín chỉ của tất cả các môn trong chương trình. Bất cứ môn nào bị trượt thì đều không đủ điều kiện tốt nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam yêu cầu “tốt nghiệp THPT” lại không thể xem như một loại điểm sàn tương tự như ở nước ngoài. Bởi vì, học sinh Việt Nam chỉ cần đạt điểm trung bình từ 5 trở lên cho tất cả các môn (trong đó, ít nhất toán hoặc ngữ văn từ 5 trở lên, không bị điểm liệt môn thi tốt nghiệp và hạnh kiểm đạt yêu cầu) là đủ điều kiện được cấp bằng tốt nghiệp. Nói cách khác, học sinh có thể học dưới trung bình (không đạt) vài môn, nhưng điểm vài môn khác cao hơn để bù lại là đủ để tốt nghiệp.

Những ngày gần đây, sau khi Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2017 với dự kiến bỏ điểm sàn chung, trong xã hội xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau. Một số ý kiến lo lắng khi bỏ điểm sàn thì chất lượng giáo dục ĐH sẽ giảm sút do hệ thống các cơ sở giáo dục ĐH ở nước ta hiện nay rất đa dạng, kinh nghiệm và năng lực quản lý khác xa nhau. Mặc dù việc bỏ điểm sàn là bước đi nhằm tăng quyền tự chủ của trường ĐH, nhưng trong khi trường ĐH chưa thực sự chứng tỏ được về năng lực thực tế để thực hiện quyền tự chủ và quản lý chất lượng thì sự lo lắng của xã hội là có cơ sở. Rõ ràng, trường ĐH chỉ thuyết phục được xã hội về năng lực của họ thông qua kiểm định chất lượng khách quan. Khi trường ĐH được tổ chức kiểm định chất lượng trong nước hoặc quốc tế đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng thì mới có thể xem trường có đủ năng lực thực hiện tự chủ. Như vậy, việc giao cho các trường tự quyết hoàn toàn về tuyển sinh và bỏ điểm sàn chung cần có lộ trình phù hợp để đảm bảo chất lượng. Thí dụ, trước mắt Bộ GD-ĐT có thể trao cho các trường ĐH và những chương trình đào tạo được đánh giá, kiểm định chất lượng và đạt chuẩn chất lượng của Việt Nam, chuẩn ASEAN (AUN-QA) hoặc chuẩn quốc tế (ABET, AACSB, HCERES, CTI…) quyền tự quyết về tuyển sinh (kể cả về điểm sàn). Ngược lại, đối với những trường hoặc chương trình chưa được kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT vẫn nên áp dụng ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu. Tuy nhiên, bên cạnh loại hình ngưỡng đảm bảo chất lượng áp dụng với điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT có thể nghiên cứu thêm loại hình điểm sàn áp dụng với điểm trung bình chung học tập, điểm môn học (ít nhất của lớp 12). Điều này nhằm mục đích để các trường chỉ tuyển bằng học bạ cũng đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào tối thiểu tạo niềm tin chung của xã hội với chất lượng giáo dục ĐH.

Thiên Lam (ghi)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)