Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thi THPT quốc gia môn vật lý: Nắm vững kiến thức chương trình lớp 12

Tạp Chí Giáo Dục

Vật lý không phải là môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, nhưng lại là môn được nhiều thí sinh lựa chọn để xét vào hai mục đích – tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ.

Khi ôn tập môn vật lý, các em học sinh cần hệ thống lại các công thức quan trọng (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Có thể nói môn vật lý không khó học như nhiều thí sinh vẫn tưởng, nếu các em có phương pháp học hiệu quả.

Chủ động lập ra giả thiết, điều kiện

Điều cấm kỵ đầu tiên mà các em học sinh cần tránh là không học tủ. Đề thi môn vật lý rải đều trong toàn bộ chương trình lớp 12 nên các em cần nắm vững kiến thức các chương trong sách giáo khoa, phải hiểu rõ các hiện tượng vật lý, tự lập ra các bảng so sánh những điểm giống và khác nhau giữa các hiện tượng đã học… Trên cơ sở những bài tập cơ bản trong sách giáo khoa và trên lớp, các em có thể tự thay đổi giả thiết, điều kiện trong những bài tập đã cho để tạo ra những tình huống mới, có yêu cầu cao hơn. Trong quá trình ôn tập, các em cần bám sát cấu trúc đề thi của Bộ GD-ĐT vì nội dung đề thi sẽ xoay quanh những vấn đề nêu trong cấu trúc này.

Để dễ dàng ôn tập, các em nên hệ thống lại các công thức quan trọng, các kiến thức vật lý cần thiết, lập bảng tóm tắt công thức; các hằng số vật lý thường gặp; các định luật, định nghĩa, công thức một cách chính xác vào sổ tay và mang theo bên mình hoặc để ngay ở nơi học tập cho tiện sử dụng, nhất là với hiện tượng, khái niệm hoặc công thức dễ bị nhầm lẫn. Ví dụ: Khái niệm cùng pha, lệch pha giữa các đại lượng vật lý; các khái niệm dao động điều hòa, dao động tuần hoàn, dao động cưỡng bức, dao động tắt dần, dao động riêng, dao động duy trì; tính chất và tác dụng của các bức xạ không nhìn thấy; tính chất và ứng dụng của các loại sóng vô tuyến điện; các hiện tượng tán sắc, giao thoa ánh sáng, hiện tượng quang điện, quang dẫn, hiện tượng phóng xạ…

Rèn luyện nhiều kỹ năng

Bên cạnh nắm vững kiến thức, thì việc rèn kỹ năng giải bài tập cũng giúp các em học tốt môn này. Theo đó, các em nên bắt đầu từ dạng bài tập cơ bản trong sách giáo khoa, nhất là các dạng bài ở hình thức tự luận để rút ra những nhận xét và ghi nhớ quan trọng nhằm “ứng phó” với câu hỏi dạng trắc nghiệm sau này. Thông thường, câu hỏi trắc nghiệm về tính toán, bao gồm kỹ năng giải những bài tập ngắn, kỹ năng chuyển đổi đơn vị… sẽ đòi hỏi các em phải vận dụng công thức hoặc lập phương trình để tính toán, chọn đáp số cần tìm.

Ngoài ra, việc chăm chỉ rèn luyện, tính toán bằng máy tính sẽ giúp các em tiết kiệm thời gian, hạn chế được những sai sót khi tính toán trong phòng thi sau này. Riêng với câu hỏi trắc nghiệm yêu cầu về mức độ vận dụng cao, cần phải nắm được bản chất của hiện tượng và biết chọn ra các kiến thức có liên quan đến hiện tượng đó.

Bên cạnh đó các em cũng nên dành thời gian để giải các đề thi tốt nghiệp THPT của những năm trước để tích lũy thêm kinh nghiệm từ những lỗi sai. Khi luyện tập bài nên canh thời gian, tập thói quen đọc kỹ câu hỏi để khai thác giả thiết cho ở phần dẫn, suy ra các kết quả, rồi từ đó phát hiện mối liên hệ giữa giả thiết và kết luận.

Đỗ Đức Trọng
(Giáo viên Trường
THPT Minh Đức, TP.HCM)

Bình luận (0)