Trường chúng tôi khá khang trang được đưa vào sử dụng trong thời gian gần đây. Nền gạch mới, bàn ghế mới, tấm bảng mới màu xanh sẫm. Nhưng dọc bờ tường trước hành lang các lớp, có rất nhiều dấu giày in lên, làm lem luốc những bức tường mới.
Có dấu giày khá cao, chứng tỏ “chủ nhân” của nó phải vung chân cao lắm mới ịn vào được! Tuổi trẻ vốn nhiều khát vọng, ước mơ. Phải chăng đây cũng là ước mơ “đóng dấu ấn” của mình lên tường lớp học? Những hành vi kỳ lạ, khác người của các em học sinh nhiều khi tôi không hiểu nổi! Lứa tuổi này là lứa tuổi hồn nhiên, vô tư “ăn chưa no, lo chưa tới” như mình ngày xưa! Đây cũng là lứa tuổi đang tìm hướng đi, đang từng bước định hình tính cách. Các em có nhu cầu tự thân là muốn khẳng định mình, muốn chứng tỏ “ta đây đã là người lớn”! Có gì dễ hiểu hơn và cũng khó hiểu hơn khi tiếp xúc với các em? Vui đấy mà buồn ngay đấy; cười đấy mà khóc ngay đấy!
Nhìn những dấu giày đen in lên bức tường, tôi không nỡ chì chiết học sinh nào là “vô ý thức”, nào là “phá hoại” mà thấy thương vì các em đặt “dấu ấn” không đúng nơi đúng chốn. Tôi muốn nói to lên rằng: các em thân mến ạ, con người ta ai cũng muốn vươn lên; ai cũng muốn ghi dấu ấn riêng mình vào cuộc sống. Vì sao? Bởi vì như Nguyễn Công Trứ từng thốt lên rằng “Đã mang tiếng sống trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông?”.
Phải như những dấu giày kia một ngày nào đó, in dấu trên “Đường lên đỉnh Olympia” hoặc in dấu trong sân chơi “Rung chuông vàng”… thì tự hào biết mấy. Những đỉnh cao của trí tuệ, của khoa học đang chờ những dấu giày của các em. Trường lớp xanh-sạch-đẹp có từ bàn tay quét dọn, có từ ý thức gìn giữ của mỗi người. Xanh-sạch-đẹp từ trong nhận thức…
Dấu giày trên tường là dấu rạn nứt của nếp sống văn hóa của một bộ phận học sinh. Những dấu giày đó làm dơ bức tường thì dễ rửa nhưng tự bôi bẩn tâm hồn mình thì khó rửa vô cùng!
Hãy đặt dấu giày trên những đỉnh núi cao trí tuệ thì chắc chắn đẹp hơn!
Lê Lam Hồng
Bình luận (0)