Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mùa thi và… sức nóng!

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày đầu của Thơ mới, thi sĩ Xuân Diệu đã từng tạm gác “nàng thơ” lại để dành cho thi cử. Trong bài Mùa thi, Xuân Diệu đã viết: “Thơ ta hơ hớ chưa chồng/ Ta yêu, muốn cưới, mà không thì giờ/ Mùa thi sắp tới! Em thơ/ Cái hôn âu yếm xin chờ năm sau!”.

Thầy trò Trường THCS Trần Bội Cơ (TP.HCM) tăng tốc ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10. Ảnh: A.Khôi

Bài thơ tứ tuyệt ngắn gọn ấy, dù ra đời cách nay hơn nửa thế kỷ, vẫn còn nguyên tính thời sự và cho ta suy nghĩ về tầm quan trọng của việc học hành, thi cử như thế nào!

Những năm gần đây, khi đất nước vận hành theo nền kinh tế thị trường và hội nhập toàn cầu, cùng với áp lực của bằng cấp và việc làm, đã khiến việc học hành, thi cử trở thành vấn đề nóng, được sự quan tâm sâu sắc của cả xã hội. Vì thế, cứ đến mùa thi là không chỉ có sĩ tử, mà người người vào cuộc, nhà nhà cùng chung sức. Nhiều cơ quan báo đài, các nhà chuyên môn vào mùa tư vấn; nhiều thanh niên, sinh viên tiếp sức mùa thi; nhiều hộ gia đình sẵn sàng chia sẻ chỗ ở miễn phí cho thí sinh nghèo, nhà xa… Rồi vai trò của Bộ GD-ĐT, với những thay đổi tích cực qua từng mùa thi sau khi đã lắng nghe ý kiến xã hội. Chúng ta đã từng chứng kiến cảnh các bậc phụ huynh chầu chực chờ con thi trước cổng trường mặc cho trời mưa, trời nắng. Cũng đã từng có những phụ huynh dù nhà ở rất xa nhưng vẫn theo con suốt cả hành trình thi cử. Họ bỏ cả công ăn việc làm vì cái học của con em.

Có thể thấy, tất cả các biểu hiện trên đều chung một mục đích là hỗ trợ hết sức cho người học, tạo mọi thuận lợi cho thí sinh… Đó là tín hiệu tích cực, đáng mừng cho ngành giáo dục hiện nay. Thế nhưng chỉ tiếc một điều là, sự nhiệt tình ấy của xã hội chưa được đền bù xứng đáng. Bởi vì nó không duy trì bền lâu với người học, mà ngọn lửa ấy cứ lụi tắt dần khi người học vào học đường cho đến khi ra trường xin việc.

Phụ huynh căng thẳng đợi con thi tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Ảnh: Y.Hà

Quả thật, đây là một bất hợp lý cần xem xét!

Hơn nữa, từ sự quan tâm ấy của xã hội đã tạo ra cho giáo dục một sức ép, làm nên một “sức nóng”, vừa mừng mà vừa lo. Mừng vì “sức nóng” ấy cho thấy vai trò, vị trí đặc biệt của giáo dục trong xã hội. Lo vì, sẽ dễ tạo ra cho người học một áp lực nhiều phía từ phụ huynh, giáo viên và nhà trường. Nếu người học không biết cách điều tiết, làm chủ bản thân, sẽ ảnh hưởng tiêu cực về tâm thần, hoặc ứng xử thái quá khi thi hỏng… Rồi hệ lụy từ việc dạy thêm tràn lan, mà một phần là học sinh bị “ép học”; những lò luyện thi “chui” có cơ hợi để thu lợi. Người học vốn đã bị áp lực tinh thần, lại vừa thêm gánh nặng tài chính. “Sức nóng” ấy còn đè lên vai những người làm giáo dục, họ phải chịu cảnh “làm dâu trăm họ” từ dư luận. Bất cứ hoạt động gì, từ đề thi, coi thi, chấm thi, xét tuyển…, nếu có gì trục trặc, chưa ổn, thì họ là “đầu tằm” để “trăm dâu” đổ vào đấy! Nếu không điềm tĩnh, làm giáo dục nóng vội theo sự hối thúc của xã hội, thì khó có sự chắc chắn bền vững được!

Vì vậy, thiết nghĩ, trong cuộc đua đầy “sức nóng” này, tất cả mọi người trong cuộc phải có một thái độ ứng xử thích hợp. Phải có một “trái tim nóng trong một cái đầu lạnh”, để vừa không tắt lửa nhiệt huyết với giáo dục, vừa không bị “sức nóng” của nó thiêu đốt!

Trần Ngọc Tuấn (GV THPT)

Bình luận (0)