Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Khởi nghiệp ở ngoại thành: Cho đất nở hoa

Tạp Chí Giáo Dục

Chuyện khởi nghiệp của các bạn trẻ ngoại thành TP.HCM lẽ dĩ nhiên là khó khăn hơn các bạn ở khu vực nội thành. Nhưng, họ đang cố gắng từng ngày với nhiều khó khăn trước mắt. 
Khởi nghiệp ở ngoại thành: Cho đất nở hoa
Anh Nguyễn Trung Hiếu (xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM) thành công với mô hình ép cá lăng giống cho hiệu quả cao – Ảnh: K.Anh

Và làm gì để giúp họ có thêm động lực lập thân, lập nghiệp? Ngoài nông nghiệp, họ có thể đầu tư thêm vào lĩnh vực nào?

Chọn nông nghiệp để khởi nghiệp, nhiều bạn trẻ khu vực nông thôn của TP.HCM đã gầy dựng nhiều mô hình kinh tế với mức thu nhập khá cao. Họ quyết chí cho đất phải nở hoa dù cũng nhiều phen “lên bờ xuống ruộng”.

“Nếu bạn đã quyết tâm gắn bó với nghề nông thì phải đeo đuổi cho đến cùng. Mặc dù làm nghề nông mức độ rủi ro cao nhưng nếu mình chịu tìm tòi ứng dụng kỹ thuật thì sẽ sống được với nghề” – bạn Nguyễn Trung Hiếu (xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi) chia sẻ.

Giấc mơ làm chủ

Có bằng ĐH Nông lâm nhưng Hiếu không đi làm ở các doanh nghiệp về thực phẩm chăn nuôi như bè bạn. Ra trường, Hiếu xin vào làm cho trại cá giống để học hỏi kinh nghiệm cùng quyết tâm gắn bó với nghề nông và giấc mơ làm chủ. Thuê đất và ao gần con kênh Đông, xã Trung Lập Thượng để khởi nghiệp cùng con cá lăng giống.

Nhưng số tiền tích lũy, tiền của người thân, bè bạn cho mượn để khởi nghiệp lên đến hàng tỉ đồng lần lượt theo các mẻ cá ra đi vì “thu không đủ chi”. Vài năm đeo bám nhưng chưa tìm thấy ánh sáng, cả tỉ đồng phút chốc đã hết vèo.

“Trong nhà ai cũng khuyên tôi bỏ cuộc vì thấy số tiền nợ quá lớn với một người chưa tới 30 tuổi như tôi. Nhưng tôi nghĩ mình đã thất bại thì phải quyết theo đuổi bằng chính con đường mình đi mới may lấy lại những gì đã mất” – Hiếu bộc bạch.

Cập nhật kiến thức, tìm tòi từ thực tế, Hiếu tìm ra bí quyết ép cá lăng đẻ khá hiệu quả. Thay vì trước đó mỗi mẻ ép cá Hiếu thu về khoảng vài chục ngàn con đã là mừng, còn bây giờ có đợt cao điểm Hiếu ép một mẻ đạt hơn 2 triệu con.

Với giá bình quân 150 đồng/con, mẻ cá ép thành công thu về khoảng 300 triệu đồng. Anh khoe: “Tôi đã trả nợ gần hết. Bình quân mỗi tháng kiếm cũng được khoảng 50 triệu đồng”. Ngồi tiếp chuyện chúng tôi, Hiếu liên tục phải trả lời điện thoại cho các đầu mối khách hàng từ miền Tây.

Cũng với giấc mơ làm chủ, anh Đoàn Văn Toản (ấp 4, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) đã từ bỏ công việc quản lý tại công ty Nhật Bản trong Khu công nghiệp Hiệp Phước để bắt tay khởi nghiệp với trại nấm.

Tìm hiểu kiến thức trên mạng, Toản đến tận Trường ĐH Nông lâm để tìm hiểu quy trình trồng nấm. Toản đầu tư dựng lên những trại lợp lá dừa cho mát để nấm dễ phát triển và đầu tư lò tiệt trùng. Toản chỉ cần lấy meo mang về tự vô bịch, gây giống và chủ động trong sản xuất của mình.

“Đi làm nhà máy mình không phải lo lắng nhiều bằng làm chủ cơ sở vì không chỉ lo đầu vào, đầu ra mà còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác như nguồn nước, thời tiết… khá bấp bênh” – Toản cho biết. Trại nấm của Toản ngày một mở rộng, là nơi chia sẻ kinh nghiệm với nhiều bạn trẻ trong vùng.

“Có thể số tiền thu về từ trại nấm chưa bằng mức lương quản lý của tôi nhưng hiện giờ tôi được làm chủ, phù hợp với hoàn cảnh cũng như điều kiện của gia đình. Trại nấm còn tạo việc làm cho vài nhân công khác trong nhà và tôi quyết tâm sẽ mở rộng trại nấm” – Toản nói.

Khởi nghiệp ở ngoại thành: Cho đất nở hoa
Anh Đoàn Văn Toản (chủ trại nấm tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM) từng được vay 50 triệu đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp để làm ăn – Ảnh: K.Anh

Khi Đoàn 
cùng đồng hành…

Năm 2013, Nguyễn Sơn Hùng (28 tuổi, ấp 4, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) đã mạnh dạn làm đơn vay vốn khởi nghiệp gửi đến Hội LHTN huyện Hóc Môn với số tiền 50 triệu đồng. Được vay tiền, Hùng mua thêm bốn con bò sữa và mở rộng chuồng trại, nâng số bò sữa nuôi tại gia đình lên sáu con.

“Tiếp cận được nguồn vốn, tôi liền mở rộng sản xuất vì xác định đã sống ở vùng nông thôn, muốn đi lên làm kinh tế gắn với nông nghiệp thì nuôi bò sữa ở thời điểm đó là một lợi thế. Hơn nữa, mình đã có vốn kinh nghiệm chăn nuôi trong tay nên có thể phát triển thêm nhưng vốn là bài toán nan giải. Số tiền 50 triệu đồng lúc đó là bước đệm để tiếp sức tôi mở rộng chăn nuôi cho đến bây giờ” – Hùng chia sẻ.

Chăn nuôi thuận lợi, bò cho sữa năng suất cao lại vừa được giá nên Hùng trả đều đặn cả vốn lẫn lãi đúng kỳ hạn. 

“Nhiều thanh niên muốn làm ăn kinh tế, bám trụ bằng nông nghiệp nhưng hạn chế lớn nhất của thanh niên khu vực này là nguồn vốn ban đầu để thả con tép trước khi muốn bắt con tôm
NGUYỄN SƠN HÙNG

Đến năm 2015, một lần nữa Hùng quyết định đầu tư nhiều hơn vào mô hình nuôi bò sữa và vay thêm vốn từ quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Hội LHTN TP.HCM) với số tiền tối đa dành cho mỗi cá nhân là 100 triệu đồng. Hồ sơ rõ ràng và hiệu quả kinh tế đã rõ nên Hùng tiếp tục được hỗ trợ cho vay số tiền trên với lãi suất 0,8% mỗi tháng trên tổng số tiền vay.

Nhờ đó, Hùng nâng số bò sữa của mình lên 11 con, cho thu nhập đều đặn hằng tháng và trở thành gương làm ăn kinh tế trên địa bàn huyện. Theo Hùng, giá sữa ở thời điểm hiện tại tuy đã giảm nhưng mỗi tháng sau khi trừ chi phí, Hùng lãi tầm 10 triệu đồng.

“Nguồn vốn vay ưu đãi dành cho thanh niên này giúp ích rất nhiều cho thanh niên nông thôn cần khởi nghiệp. Nhiều người muốn làm ăn kinh tế, bám trụ bằng nông nghiệp nhưng hạn chế lớn nhất của thanh niên khu vực này là nguồn vốn ban đầu để thả con tép trước khi bắt con tôm” – Hùng chia sẻ.

Bạn Nguyễn Thị Kim Liên (23 tuổi, ấp Trung Chánh 1, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, TP.HCM) cũng tìm đến quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp để vay số tiền 15 triệu đồng vào năm 2013. “Tuy số tiền đó không lớn nhưng khi mình mở một cơ sở may tư nhân thì nó rất cần thiết, tiếp sức cho mình đúng thời điểm” – Liên chia sẻ.

Tiệm may hoạt động thuận lợi, đến năm 2014 Liên tiếp tục vay thêm 20 triệu đồng từ quỹ này để đầu tư máy móc, hướng dẫn hai em gái mình cùng phụ giúp chị khi có đơn hàng. Liên cho biết tới đây sẽ tiếp tục làm hồ sơ vay vốn để mở rộng dây chuyền may này theo hướng khép kín, cho ra sản phẩm từ vải thô ngay tại cơ sở may của mình. Nhờ những hỗ trợ của tổ chức Đoàn – Hội, nhiều dự án làm ăn của các bạn trẻ đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất.

 

KIM ANH – NGỌC HIỂN  (TTO)

Bình luận (0)