Cách đây 5 năm, các bãi biển ở thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận vẫn còn là điểm đến lý tưởng cho những tín đồ du lịch, đặc biệt là những người ưa chuộng loại hình du lịch nghỉ dưỡng, khám phá.
Cách đây 5 năm, các bãi biển ở thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận vẫn còn là điểm đến lý tưởng cho những tín đồ du lịch, đặc biệt là những người ưa chuộng loại hình du lịch nghỉ dưỡng, khám phá. Ngoài bãi biển Cam Bình được biết đến như khu du lịch cộng đồng thì chỉ có một vài khách sạn và resort. Về khoảng cách địa lý, Lagi không quá xa để đến nhưng do nằm gần như lọt thỏm giữa các địa điểm du lịch quá nổi tiếng như dinh Thầy Tím, mỏm Đá Chim, núi Tà Cú, Mũi Né… nên gần như ít ai “book” tour dừng chân ở đây để khám phá tiềm năng của thị xã biển yên bình nằm ở phía Tây Nam của tỉnh duyên hải miền cực Nam Trung bộ này.
Giới trẻ mê khung cảnh thơ mộng xinh đẹp ở các bãi biển Lagi. Ảnh: Đông Lê
Vùng biển không xa lạ
Bình Thuận với trung tâm tỉnh là TP Phan Thiết, cách TPHCM 200km về phía Nam. Bình Thuận có bờ biển dài 192km kéo dài từ mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná thuộc tỉnh Ninh Thuận đến bãi bồi Bình Châu thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trong đó, bờ biển Lagi dài 28km được che chắn bởi mũi Kê Gà, tạo nên vùng biển tương đối điều hòa trong mọi thời tiết. Lagi được tách từ huyện Hàm Tân vào năm 2005 và gần như nằm giữa hai địa phương du lịch nổi tiếng khi cách TP Phan Thiết hơn 60km và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 55km. Chính vì thế nên hầu hết các tour Bình Thuận hoặc Bà Rịa -Vũng Tàu đều nhắm đến các địa điểm nổi tiếng ở TP Phan Thiết hoặc Vũng Tàu, Bình Châu, Hồ Tràm… hơn là điểm đến biển Lagi.
Anh Minh Hưng, một du khách ở TPHCM nhưng trung thành nhiều năm nay với Lagi cho biết, gia đình anh ngẫu nhiên chọn Lagi trong một lần du lịch vào mùa lễ hội cách đây 5 – 6 năm. Lúc ấy, gần như các khách sạn lớn, nhỏ ở ven biển Bà Rịa, Vũng Tàu, Hồ Tràm, Bình Châu, Phan Thiết, Hàm Thuận Nam gần như đều quá tải, trong khi nhu cầu đi du lịch của gia đình lại đang có nên gia đình cứ thẳng tiến chạy từ Bà Rịa đến thị xã Lagi và không ngờ “hội chứng” quá tải vào ngày lễ gần như chưa chạm đến thị xã biển này. “Giá khách sạn như mơ và các quán ăn không đông đúc, “chặt chém” như ở các khu du lịch biển khác. Gia đình tôi chọn resort duy nhất nằm gần trung tâm Lagi. Bãi biển sạch, không có nạn chèo kéo và các dịch vụ “nở rộ mùa lễ” như bán hải sản ăn liền, kẹo bánh đủ loại. Nếu chỉ muốn hưởng thụ không khí trong lành của biển và thưởng thức hải sản tươi ngon, Lagi lúc bấy giờ là điểm đến không thể lý tưởng hơn”, anh Hưng nhận xét.
Cứ thế, mỗi năm gia đình anh Hưng đều trở lại nơi này nghỉ dưỡng. “Thị xã nhỏ, người dân ở đây hiền hòa, chỉ tiếc là các dịch vụ du lịch còn đơn sơ, chưa có sự đầu tư”, anh Hưng cho biết thêm. Rồi anh ví dụ, khu biển Cam Bình dành cho dân địa phương đến tắm biển không có ban quản lý nên mọi người tha hồ phần ai nấy xả rác, có người còn dắt cả chó nuôi ra biển tắm chung, người địa phương đem theo thức ăn, nước uống và cả đồ nhậu đến biển, ăn xong vứt tràn ra bãi biển. Biển Cam Bình cũng trở thành nơi ăn uống hải sản tươi sống với các thúng chai của dân chài đi biển về, được các quán nhậu thu mua tại chỗ để bán lại. Các hàng quán căng lều, dựng sạp bán tràn lan hải sản.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, cố vấn Công ty Du lịch Lửa Việt cho biết, thói quen của người Việt Nam rất lạ, đó là chỉ đi biển vào cuối tuần (nếu không phải ngày lễ) và chọn những địa điểm đông đúc, quen thuộc, gần nhất để đến, do đó Vũng Tàu, Bà Rịa, Hồ Tràm, Phan Thiết gần như lúc nào cũng quá tải. Trong khi còn rất nhiều bãi biển hoang sơ và thơ mộng, xinh đẹp như Lagi hoặc các bãi biển ở Ninh Thuận thì khách du lịch lại không chọn; do đó, ở các bãi biển này địa phương hoặc ngành du lịch chưa chú trọng đến việc đầu tư và phát triển, rất uổng phí. “Có thể nói hiện nay chúng ta chỉ khai thác 1/5 trên tổng tiềm năng biển của mình và đó là một vấn đề lớn mà ngành du lịch phải xem xét; đòi hỏi phải có sự đồng bộ xây dựng và phát triển thì mới khơi mở hết được tiềm năng du lịch của Việt Nam”, ông Mỹ phân tích.
Khơi dậy tiềm năng
Cao tốc Long Thành – Dầu Giây được đưa vào hoạt động, rõ ràng đã rút ngắn khoảng cách đi lại giữa TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và đó cũng là một trong những lý do để lượng khách du lịch ở TPHCM và các tỉnh lân cận kéo đến các điểm du lịch nổi tiếng, quen thuộc ngày càng nhiều, tạo nên sự quá tải đột biến trong những dịp lễ lớn. Dịch vụ du lịch đứng trước sự quá tải đó nên trở tay không kịp nên không đáp ứng được nhu cầu của du khách khiến một số lượng khách trẻ chán nản, bỏ những điểm du lịch quen thuộc để tìm đến các địa điểm mới, cách đó không xa và Lagi bắt đầu trở thành điểm đến trong hành trình mới của họ.
Ông Trịnh Văn Thái, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận, xác nhận đúng là thị xã Lagi những năm gần đây đã và đang trở thành điểm du lịch biển sinh thái thu hút nhiều lượng khách du lịch từ TPHCM và các tỉnh lân cận. Nếu trước đây vào các dịp lễ hội lớn, thị xã đón khoảng 30.000 khách du lịch thì trong năm 2016 (dịp lễ 30-4, Giỗ tổ Hùng Vương vừa qua), con số khách du lịch đã tăng đột biến trên 70.000 khách. Một vài điểm du lịch mới đón trên 10.000 khách/ngày, vượt xa con số dự đoán và sắp xếp của khu du lịch. Còn các khách sạn đăng ký sức chứa 500 khách thì thực tế đã phải đón hơn 1.000 khách. “Sự thu hút khách du lịch trong những tháng đầu năm 2016 đến thị xã Lagi tăng cũng có nhiều nguyên nhân, như nhu cầu du lịch cao, các ngày lễ được nghĩ nhiều hơn và cũng không loại trừ khả năng các địa điểm du lịch xung quanh gần như quá tải. Mặc khác, cũng nhờ các dự án du lịch sinh thái trên địa bàn thị xã đã bắt đầu đi vào hoạt động, có nhiều mô hình mới cho du khách trẻ nên đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người hơn”, ông Thái cho biết.
Tuy nhiên, ông Thái cũng thẳng thắn nhìn nhận hiện có nhiều dự án du lịch đăng ký trên địa bàn thị xã nhưng chưa đủ điều kiện để hoạt động vì một số trục trặc khách quan trong việc đền bù giải tỏa. Hiện có 3 – 4 dự án cũng đang ở trong tình trạng tiếp tục thỏa thuận với từng hộ dân để ổn định về phương án đền bù. “Lãnh đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận cũng rất đồng ý việc phát huy các sản phẩm du lịch đa dạng tại Lagi để khơi mở tiềm năng biển ở đây nhưng để đi vào phát triển tổng thể nhằm hạn chế những bất cập về dịch vụ cũng như các sản phẩm du lịch còn chưa xứng tầm như thời gian qua, chúng tôi cần phải có thêm thời gian”, ông Thái nêu vấn đề.
Không thể phủ nhận rằng, nếu khai thác loại hình du lịch sinh thái, gắn các hoạt động dã ngoại, cắm trại thì các bãi biển ở Lagi hiện đang là điểm đến lý tưởng nhưng chưa được các nhà đầu tư du lịch ào ạt “nhảy vào” khai thác như các bãi biển ở Vũng Tàu, Bà Rịa, Phan Thiết…. Rõ ràng, gần đây các nhà làm du lịch cũng đã nhìn thấy được tiềm năng đó nhưng thiết nghĩ ngành du lịch Bình Thuận nói chung và thị xã Lagi nói riêng nên cân nhắc trong việc cấp phép và phân vùng quy hoạch, kiểm tra thường xuyên các sản phẩm, dịch vụ du lịch để bãi biển sinh thái xinh đẹp này đừng mất đi vẻ tự nhiên vốn có của nó…
Gia Lynh/ SGGP
Bình luận (0)