Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Thì ra cô vẫn thương lớp em!”

Tạp Chí Giáo Dục

Buổi cắm trại sáng hôm ấy đã gần hết giờ quy định mà lớp 10A2 vẫn còn ngổn ngang cây lá. Do lớp phần đông học sinh là nữ, giáo viên chủ nhiệm cũng là nữ nên công việc dựng trại khá vất vả. Tiếng loa thúc giục, báo sắp hết giờ dựng trại càng làm cho các em thêm rối… Bỗng vào thời điểm ấy, cô Ly – một giáo viên dạy lớp 10A2 – đã chạy từ lớp của cô sang, tất bật bắt tay làm cùng các em. Trong chốc lát, trước giờ quy định chừng 10 phút thì chiếc lều xinh xắn cùng cổng ra vào, bàn thờ Bác, lọ hoa, quốc kỳ, cờ Đoàn đều được sắp xếp gọn ghẽ, tươm tất. Các em ùa tới, chia vui cùng cô Ly. “Trời ơi, nếu không có cô sang phụ thì lều lớp em chưa xong!”, một học sinh nói. Em khác nói chen vào: “Cô thương tụi em thiệt hả cô? Vậy mà vô lớp cô la tụi em hoài. Nay em mới biết là cô còn thương tụi em!”.

Vì sao các em mừng vui như vậy? Vì mỗi lần vào lớp dạy, do nhiều nguyên nhân từ lớp, cô Ly thường rầy la học sinh. Nào vệ sinh kém, lớp để dơ; nào bảng không lau sạch sẽ; nào vài em đi trễ… Từ đó, giữa cô và trò có một khoảng cách, khó gần được. Nhưng cô suy nghĩ lại: mình phải gần học sinh mới hiểu tâm tánh các em được. Những buổi lao động làm cỏ, tưới nước bồn bông, cô luôn đi làm chung, cùng tay lấm chân lấm như học sinh. Cũng như buổi cắm trại, lớp cô xong rồi, cô nhớ đến lớp 10A2 và chạy qua tiếp giúp… Chính sự gần gũi, miệng nói tay làm mà các em dần dần hiểu cô. Và cô cũng hiểu học sinh của mình hơn, có em đi học trễ vì còn phụ giúp mẹ đưa trái cây ra chợ bán; có em nghỉ học vì chuyện gia đình…

Giáo dục học sinh đâu phải đưa ra những điều to tát, những “lý tưởng” xa vời mà giáo dục học sinh lòng cảm thông, sự chia sẻ qua những việc làm cụ thể. Những việc làm nhỏ hàng ngày nhưng phía sau đó là những bài học đối nhân xử thế ở đời; những bài học cảm thông, chia sẻ.

Lê Đức Đồng
(Trường THPT chuyên
Nguyễn Thị Minh Khai, Sóc Trăng)

Bình luận (0)