Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đường một chiều ở TP.HCM chưa hẳn giảm kẹt xe

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều ý kiến lo ngại việc Sở GTVT TP.HCM dự kiến chuyển đường 2 chiều thành 1 chiều ở một số tuyến đường nhằm kéo giảm tình trạng kẹt xe có thể sẽ khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

Đề xuất lưu thông đường Trường Chinh, Cộng Hòa một chiều liệu có giúp giảm kẹt xe?	 /// Ảnh: Độc Lập
Đề xuất lưu thông đường Trường Chinh, Cộng Hòa một chiều liệu có giúp giảm kẹt xe? Ảnh: Độc Lập

Theo đó, các trục đường Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa (Q.Tân Bình) sẽ được tổ chức làm vòng xoay lớn, lưu thông 1 chiều theo hướng Trường Chinh → Hoàng Văn Thụ → Cộng Hòa. Đường Lê Quang Định lưu thông 1 chiều từ đường Phạm Văn Đồng – Phan Văn Trị. Đường Phan Văn Trị lưu thông 1 chiều từ đường Lê Quang Định – Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp và Q.Bình Thạnh).

 
 
 
Về mặt khoa học, khi tổ chức giao thông 1 chiều, các tuyến đường phải được bố trí theo dạng ô bàn cờ, tức đi 1 đường và về 1 đường, song song nhau. Đường 1 chiều phải có đường song hành cách nhau khoảng 100 m
 
 
PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông – Trường ĐH Bách khoa TP.HCM
 
Ở khu vực trung tâm Q.1 và Q.3, đường Hai Bà Trưng lưu thông 1 chiều từ công trường Mê Linh – Võ Thị Sáu; đường Phạm Ngọc Thạch 1 chiều từ đường Võ Thị Sáu – Lê Duẩn; đường Trần Quốc Thảo 1 chiều từ Võ Thị Sáu – Võ Văn Tần; đường Lê Quý Đôn 1 chiều từ Nguyễn Thị Minh Khai – Võ Thị Sáu.
Lo ngại ùn tắc nhiều hơn
Anh Châu (làm nghề tài xế, nhà ở Q.12) cho rằng nếu chuyển sang 1 chiều trên các trục đường Trường Chinh – Hoàng Văn Thụ – Cộng Hòa, lượng xe sẽ dồn về các con đường ngang ở giữa các trục đường 1 chiều nói trên nhiều hơn, như đường Tân Kỳ – Tân Quý, Tân Hải, Ấp Bắc, Núi Thành, Bình Giã, Hoàng Hoa Thám…
Trong khi đó, tất cả các con đường ngang này đều nhỏ hẹp, lại thường xuyên bị ùn tắc vào giờ cao điểm như đường Hoàng Hoa Thám ở khu vực chợ Hoàng Hoa Thám và tại ngã ba Hoàng Hoa Thám – Nguyễn Minh Hoàng.
Với phương án 1 chiều như vậy, những người thường xuyên lưu thông trên đường Trường Chinh sẽ chỉ thuận lợi ở hướng đi vào trung tâm TP, còn chiều ngược lại phải đi vòng xa hơn.
Những người sử dụng đường Cộng Hòa cũng sẽ đánh một vòng thật xa để đi về hướng các quận: Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, Q.2, Q.9, Thủ Đức… đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất ở khá gần nhưng muốn đến cũng phải đi vòng từ Cộng Hòa – Trường Chinh – Hoàng Văn Thụ – Trường Sơn mới tới được sân bay. Như vậy, lưu lượng xe trên các trục đường 1 chiều này cũng sẽ đông hơn bởi các phương tiện phải mất nhiều thời gian hơn, có thể gấp đôi so với hiện nay, do di chuyển trên đường lòng vòng.
Đường một chiều ở TP.HCM chưa hẳn giảm kẹt xe - ảnh 4

Đề xuất khu vực lưu thông 1 chiều trục đường Trường Chinh – Hoàng Văn Thụ – Cộng Hòa Đồ họa: Hồng Sơn

Đặc biệt, lưu lượng xe sẽ tăng cao trên đường Trường Chinh, bởi trục đường này nếu chuyển sang 1 chiều sẽ có 4 làn xe di chuyển theo hướng từ mũi tàu Cộng Hòa vào trung tâm TP, nhưng phải gánh lưu lượng xe của 5 làn đường hiện nay (bao gồm 2 làn của đường Trường Chinh và 3 làn của đường Cộng Hòa chuyển sang, tính theo chiều vào trung tâm TP).
PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông – Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng về mặt khoa học, khi tổ chức giao thông 1 chiều, các tuyến đường phải được bố trí theo dạng ô bàn cờ, tức đi 1 đường và về 1 đường, song song nhau. Đường 1 chiều phải có đường song hành cách nhau khoảng 100 m.
Thế nhưng, trục Cộng Hòa – Trường Chinh – Hoàng Văn Thụ rất khó tổ chức lưu thông 1 chiều, do không có đường song hành nên khi muốn đi chiều ngược lại, người dân sẽ không biết đi đường nào. “Tôi ủng hộ, nhưng người làm quy hoạch giao thông phải tính toán trước rất rõ cho cả chiều đi lẫn chiều về, lưu lượng phương tiện chứ không thể tùy tiện. Nếu không, sẽ gây bất lợi cho người dân, dẫn đến tình trạng không chấp hành, luôn tìm cách đi ngược lại. Tóm lại, không có đường dạng ô bàn cờ thì rất khó làm đường 1 chiều”, ông Mai nhấn mạnh.
TS – chuyên gia đô thị học Phạm Sanh cũng cùng có ý kiến khó tổ chức lưu thông 1 chiều trên trục Cộng Hòa – Trường Chinh – Hoàng Văn Thụ. Còn 2 phương án 1 chiều đường Trần Quốc Thảo – Lê Quý Đôn (Q.3) và Lê Quang Định – Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp, Q.Bình Thạnh) đã được nghiên cứu cách nay 10 năm. Tuy nhiên, đường Lê Quang Định – Phan Văn Trị bị đánh giá không khả thi, do cặp đường này không song song mà còn chéo góc, lại thiếu các đoạn nối kết đủ lớn để xe thoát ra.
Mặt khác, trên các đường Lê Quang Định, Phan Văn Trị, tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường rất nghiêm trọng, còn có rất nhiều đường cắt ngang. Nếu phân 2 tuyến đường này trở thành đường 1 chiều thì không có đường quay lại, khi đó người dân lại đi ngược chiều, tình hình giao thông còn rối ren hơn. Theo ông Sanh, giải pháp để giảm kẹt xe là cải tạo một số nút giao trên đường Phan Văn Trị để dòng xe thoát nhanh, đồng thời phải giải tỏa được việc lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán.
Chỉ giải quyết phần ngọn
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học – kỹ thuật – môi trường, thuộc Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, nói rằng ông không phản đối phương án 1 chiều hóa. Tuy nhiên, trước khi thực hiện, phải thống kê lưu lượng xe, điều tra thực tế. Thậm chí, phải bảo vệ trước hội đồng xét duyệt, hội đồng tư vấn, chủ quan sẽ phản tác dụng, cản trở đi lại và cuộc sống của người dân. Bởi 1 chiều hóa, người dân phải đi vòng rất xa, tốn rất nhiều thời gian.
Cùng quan điểm này, TS Phạm Sanh đề nghị nên khảo sát thật kỹ, có mô hình mô phỏng cẩn thận, tổ chức phản biện… trước khi thực hiện chuyển sang 1 chiều. Mặt khác, cũng phải tính đến bài toán kinh tế vì đường 1 chiều sẽ gây thiệt hại về kinh tế, cản trở mua bán, tăng nguy cơ tai nạn giao thông.
Góp ý thêm về vấn đề này, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, giải pháp đường 1 chiều cũng như một số giải pháp giảm kẹt xe mà TP.HCM đang ráo riết thực hiện, cũng chỉ là phần ngọn nếu không nằm trong vấn đề cốt lõi là kế hoạch về tổ chức giao thông công cộng. Nếu chỉ tổ chức đường 1 chiều để giao thông thông thoáng, rồi cũng sẽ không hiệu quả vì vài bữa lại kẹt xe như cũ, thậm chí càng khó sửa hơn. Hiện nay đường không thông thoáng, xe buýt không có chỗ chạy.
Trong đề tài nghiên cứu giảm kẹt xe ở tuyến đường Cộng Hòa, Trường Chinh, bà Nguyễn Phương Nguyệt Minh và nhóm cộng sự của Khoa Đô thị học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã chỉ ra rằng chu kỳ tắt mở đèn xanh – đèn đỏ giữa các tuyến đường cắt ngang đường Cộng Hòa được thiết lập cố định. Song lượng xe ở 2 tuyến đường lại khác nhau gây nên tình trạng ùn tắc. Do vậy, cần lắp đặt đèn tín hiệu thông minh để điều tiết hợp lý hơn nhằm giảm ùn tắc. Ở các tuyến đường khác cũng vậy, nên tăng cường sử dụng giao thông thông minh, mở rộng tầm nhìn, cấm quẹo trái, mở rộng đường.
Cùng quan điểm này, theo PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM, có khi chỉ cần phương án điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông hợp lý là tình hình giao thông tốt hơn. Ông cho rằng tổ chức giao thông 1 chiều là một phương án nhưng không nên xem nó là giải pháp cho tình hình giao thông bị ùn tắc ngày càng nghiêm trọng hiện nay. Cần phải có nhiều phương án để so sánh, xem phương án nào tốt hơn. Hiện chúng ta có nhiều công cụ về kỹ thuật để kiểm tra các phương án này.
Sớm nhất quý 3/2017 mới thực hiện
Trả lời Thanh Niên, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT và ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ – Sở GTVT TP.HCM, đều cho biết lý do đưa ra phương án chuyển đường 2 chiều thành 1 chiều trên một số tuyến đường nêu trên vì giao thông ở những khu vực này thường xuyên quá tải nghiêm trọng, nhất là tại các nút giao. “Tuy nhiên, đây chỉ mới là dự kiến trong kế hoạch năm 2017. Trước khi điều chuyển, ngành giao thông sẽ phải hoàn chỉnh phương án sau khi tiến hành nghiên cứu đánh giá các yếu tố, khảo sát đếm xe, chạy mô hình, cân nhắc kỹ… Nếu có thực hiện, sớm nhất phải quý 3/2017 mới bắt đầu”, ông Ngô Hải Đường cho biết.

Đình Mười (TNO)

 

Bình luận (0)