Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lo ngại nhà bán lẻ ngoại chiếm lĩnh thị trường

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 30-5, phát biểu tại cuộc họp thường kỳ kiểm điểm tình hình kinh tế – xã hội TPHCM 5 tháng đầu năm 2016, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở ngành xem xét kỹ tính cạnh tranh của thị trường bán lẻ tại TPHCM có đang bị chi phối lớn bởi các nhà đầu tư nước ngoài hay không, vì điều này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong nước.

Thị trường bán lẻ đang bị “tấn công” rất tinh vi 

Không chỉ đặt vấn đề, Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thành Phong liệt kê các “đại gia bán lẻ” Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang từng bước thực hiện việc biến TPHCM thành thị trường bán lẻ lớn của họ. Cụ thể, các nhà bán lẻ hàng đầu của Hàn Quốc xem Việt Nam là thị trường tiêu thụ tiềm năng nhất và có ý định xuất khẩu hàng hóa từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc vào Việt Nam thông qua các hình thức như nhập khẩu hàng giá rẻ, các nhãn hàng riêng… Cùng với đó, Công ty CP của Thái Lan sở hữu bởi tỷ phú giàu nhất Thái Lan cũng đang có mặt tại TPHCM, còn Metro cũng đã được doanh nghiệp Thái Lan mua và đã sửa thành Mega Market Việt Nam. Tương tự, Robins, Nguyễn Kim, Zalora , Big C Việt Nam cũng đang được sở hữu bởi nhà bán lẻ nước ngoài. Ngoài ra, Aeon của Nhật Bản đang phấn đấu thực hiện chiến lược đưa Việt Nam thành thị trường bán lẻ thứ nhì của họ ở khu vực châu Á, sau Malaysia. “Như vậy, với định hướng của các nhà đầu tư lớn của nước ngoài thế này, nếu chúng ta không có chiến lược để làm đối sách ngay bây giờ thì chúng ta sẽ mất thị trường bán lẻ, sẽ bị các nhà đầu tư nước ngoài chi phối”, Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thành Phong sốt ruột.

Mua hàng tại siêu thị Lotte Mart. Ảnh: CAO THĂNG

Trong khi đó, đánh giá về hoạt động của thị trường bán lẻ, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TP khẳng định, hiện tại vẫn chưa có cơ sở để nói các nhà đầu tư nước ngoài đang thâu tóm ngành bán lẻ của TPHCM. Sở Công thương sắp tới sẽ trình UBND TP phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp bán lẻ của thành phố để làm cơ sở quản lý tốt hơn. Tuy nhiên, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBNDTP nhận định: “Nói gì thì nói hiện thị trường bán lẻ đang bị “tấn công” rất tinh vi, tấn công từ bên trong, các doanh nghiệp nước ngoài hình thành nên mạng lưới, sau đó thôn tính, nhiều hệ thống bán lẻ nước ngoài làm cả một chuỗi sản phẩm để đưa ra thị trường”. Phó Chủ tịch UBNDTP Trần Vĩnh Tuyến nêu thực trạng, hiện nay việc liên kết giữa doanh nghiệp Nhà nước với nhau và liên kết giữa các vùng miền còn bỏ ngỏ, liên kết giữa các hội đoàn thể (hội phụ nữ) chưa có sự phối hợp chặt chẽ. Chính điều này khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội trong lĩnh vực bán lẻ chưa đủ mạnh.

Gút lại vấn đề này, Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thành Phong cho rằng, sắp tới đồng chí sẽ chủ trì một cuộc họp bàn biện pháp giữ vững và phát triển thị trường bán lẻ của thành phố. “Nếu chúng ta không kiểm soát, không định hướng thị trường bán lẻ thì dứt khoát chúng ta sẽ bị tác động bởi các nhà bán lẻ nước ngoài. Chủ động có giải pháp bây giờ là đã chậm nhưng còn hơn là thấy họ đến mà mình chịu thua”, Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thành Phong nêu quyết tâm. 

Xử lý kỷ luật nếu nhiều lần trễ hẹn với dân, doanh nghiệp

Theo báo cáo tại cuộc họp, tốc độ phát triển kinh tế TPHCM trong 5 tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng khá, trong đó công nghiệp, thương mại, dịch vụ đều tăng khá. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng so cùng kỳ tăng 0,86% (mức tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái 0,63%). Về xuất khẩu, trong 5 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu của thành phố đạt gần 12 tỷ đô la Mỹ, tăng 1,2% so cùng kỳ. Mặc dù vậy, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBNDTP cho rằng, sự khó khăn trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp vẫn còn đó, thể hiện qua chỉ số giá trị sản xuất công nghiệp trong tháng 5 tăng 3,4%, thấp hơn mức tăng đến 8,5% vào tháng 5-2015; sản xuất tăng chậm cho thấy doanh nghiệp thành phố vẫn đang đối mặt với những khó khăn nhất định. Cũng theo nhận định của ông Võ Văn Hoan, sắp tới tình hình hoạt động của doanh nghiệp có thể gặp khó khăn hơn nữa khi các hiệp định thương mại tự do như TPP được áp dụng. Khó khăn của doanh nghiệp bao gồm vốn, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, thị trường… 

Tại cuộc họp, lãnh đạo TPHCM và các sở ngành đề cập nhiều đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Một trong những giải pháp được đưa ra là quyết liệt cải cách hành chính, giải quyết đúng hạn hồ sơ của người dân và doanh nghiệp. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, trong tháng 6 này, UBND TP sẽ kiểm tra việc thực hiện xin lỗi dân tại các sở ngành, quận huyện. UBND TP sẽ tiếp nhận phản ánh về các hồ sơ hành chính trễ hẹn mà người có thẩm quyền không thực hiện việc xin lỗi. “Nếu những phản ánh này là có cơ sở, cá nhân, đơn vị liên quan lần đầu sẽ phải làm kiểm điểm, lần sau là kỷ luật, liên đới trách nhiệm người đứng đầu”, Phó Chủ tịch UBNDTP Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh. 

Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu việc hỗ trợ doanh nghiệp phải cụ thể, chứ không nói chung chung được. Đồng chí giao các sở ngành liên quan chuẩn bị các giải pháp cụ thể để bàn trong các cuộc làm việc sắp tới. Chủ tịch UBNDTP yêu cầu Sở Công thương, sau cuộc họp này tổ chức cho đồng chí gặp gỡ doanh nghiệp của 4 ngành công nghiệp chủ lực để nghe các khó khăn cụ thể nhằm tháo gỡ.

VÂN ANH/ SGGP

 

Bình luận (0)