Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Tuyên truyền Luật Giao thông từ… quán cà phê

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là cách làm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Mỹ (nghệ danh Mỹ Dũng) ở Đà Nẵng. Thông qua hình thức mở quán kinh doanh cà phê, nghệ sĩ Mỹ Dũng đã bài trí không gian với những biển báo, biển hiệu nhằm tuyên truyền đến với mọi người về ý thức tham gia giao thông an toàn và đúng luật.

Nghệ sĩ Mỹ Dũng bên những mô hình mang thông điệp an toàn giao thông trong quán cà phê Biển báo

Chung tay vì an toàn giao thông

Sau một thời gian kể từ ngày khai trương, quán cà phê của nghệ sĩ Mỹ Dũng nép mình bên góc đường Trần Nhân Tông (quận Sơn Trà) được rất nhiều người biết đến. Đặc biệt, vào những ngày nghỉ cuối tuần, ngoài những thanh niên nam nữ, những người lớn còn xuất hiện rất đông các em nhỏ đang là học sinh tiểu học, THCS theo phụ huynh đến quán. Chia sẻ về ý tưởng của mình, nghệ sĩ Mỹ Dũng bày tỏ: “Hàng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng, tình trạng tai nạn giao thông vẫn thường xuyên diễn ra. Có nhiều vụ rất thương tâm. Người bị tai nạn khi tham gia giao thông không chỉ thiệt thòi cho riêng họ mà đằng sau họ còn có vợ con, gia đình, người thân… cuộc sống cũng bị ảnh hưởng và chịu nhiều mất mát khi họ bất ngờ ra đi. Việc mở quán cà phê không chỉ để kinh doanh mà tôi muốn gửi một thông điệp đến mọi người rằng phải am hiểu về luật và chấp hành đúng luật để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra”. Cũng theo anh Dũng, sau quá trình trăn trở vì tai nạn giao thông, muốn góp chút sức mình giảm tai nạn bằng cách tăng thêm ý thức trong mỗi người tham gia, anh đã mất khoảng một năm để sưu tầm biển báo. Lăn lê tìm tòi tận các quán đồng nát, mua lại những bộ phận rời rạc của các chiếc xe một thời được xem là “anh hùng xa lộ”. Khi có được nhiều biển báo và các bộ phận xe cộ rồi, ý tưởng mở quán cà phê mới bắt đầu hình thành. Bởi theo anh, không gian cà phê rất phù hợp với việc bài trí biển báo để đưa thông điệp đến mọi người một cách phổ quát.

Không gian quán từ cổng đi vào cho đến bức tường cuối cùng đều được anh bài trí rất khoa học. Hỏi anh về chiếc xe đạp làm cổng vào, anh bảo, xe đạp là phương tiện thân thiện với môi trường nhất, lại ít gây tai nạn, nhưng bây giờ nó đang dần bị thay thế bởi rất nhiều phương tiện có động cơ khác. Ngay chính giữa không gian quán, mô hình những chiếc còi xe được khép kín trong một chiếc lồng sắt thu hút sự chú ý của nhiều người. Anh Dũng bảo: “Thông điệp của những chiếc còi bị nhốt lại trong lồng như vậy hàm ý nơi nào ít tiếng còi thì ở đó giao thông bình yên. Nó mang ý nghĩa khát khao về nét văn hóa giao thông ở quê hương mình”. Một điểm đáng chú ý khác những chiếc biển số xe được đính trên những khung kính của cửa ô tô. Những chiếc ly tách, dĩa đều in sologan nhắc nhở: đi chậm, không say… Menu của quán in đều các loại biển báo, chỉ chừa khoảng trống ở hai bên lề để ghi thức uống nhằm thu hút thực khách tìm hiểu về biển báo. Các đồ dùng nội thất như bàn ghế đều được thiết kế từ các vô lăng, khung xe, gương xe…

Điểm đến tìm hiểu Luật Giao thông

Những chiếc menu đặc biệt ở quán Biển báo

Một điểm khác là khi tận mắt chứng kiến những mô hình do nghệ sĩ Mỹ Dũng sắp đặt ở đây, người xem có thể hiểu được hậu quả của mất an toàn giao thông và từ đó ý thức hơn khi tham gia giao thông”. 

Từng tận mắt chứng kiến triển lãm của anh cũng với cái tên “Biển báo” với rất nhiều các hình ảnh minh họa cảnh báo mất an toàn giao thông vào tháng 2-2015. Ở cái triển lãm ấy, anh chia thành hai phần, một phần chỉ toàn những ngọn nến, xung quanh là những chiếc đòn gánh được sơn hai màu trắng đen, phần khác là những bức hình, những mảnh ghép về nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Anh bảo, những chiếc đòn gánh ấy tượng trưng cho gánh nặng không chỉ của riêng người gây tai nạn mà còn để lại cho người thân, gia đình, vợ con… người xem, nhìn vào đó để tránh, để biết mà cẩn thận hơn khi tham gia giao thông.

Hoạt động triển lãm ấy là điểm nhấn, để tuyên truyền được rộng rãi và dài lâu hơn, anh Dũng dồn tâm huyết trưng bày tại quán cà phê. Anh bảo, quán cà phê mở nhưng không chỉ phục vụ các bậc phụ huynh và thanh niên uống cà phê. Các em nhỏ đang học tiểu học, THCS cũng có thể đến thoải mái nếu muốn tìm hiểu về Luật Giao thông thông qua các biển báo mà anh sưu tầm được. Em Nguyễn Thiên Tân, một học sinh lớp 8, cho biết: “Vào những ngày nghỉ em thường xin bố mẹ theo đến quán Biển báo. Đến đây không phải để uống cà phê như bố mẹ mà em muốn tìm hiểu những tấm biển báo, biển hiệu được trang trí ở quán để hiểu thêm về Luật Giao thông. Ở trường, em cũng được các thầy cô dạy và có các cuộc thi tìm hiểu an toàn giao thông qua mạng internet nhưng được trực tiếp tiếp cận với nhiều biển hiệu, các bộ phận của phương tiện giao thông em thấy thú vị hơn rất nhiều”. Còn sinh viên Nguyễn Quỳnh Phương, Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, cho biết: “Thỉnh thoảng vào những ngày nghỉ, em và các bạn hay đến quán Biển báo để uống cà phê, bàn bạc cùng các bạn về làm bài tập nhóm. Em thấy quán này rất thú vị ở chỗ, cách bài trí biển báo bắt mắt, khoa học và có thể giúp những ai quan tâm đến an toàn giao thông đều có thể tìm hiểu được thông qua các bộ phận xe cộ hoặc các tấm menu có ghi rõ ràng”.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)