Bài toán chi tiêu lại trở nên khó khăn đối với các bà nội trợ khi giá các loại thực phẩm đồng loạt nhích lên. Chị Nguyễn Hà (công nhân KCX Tân Thuận) nhẩm tính: “Trước đây đi chợ cầm 70.000 đồng, nếu khéo mua cũng đủ cho gia đình 3 miệng ăn trong ngày. Nay thì không thể, từ rau củ quả đến thịt, cá… món gì cũng tăng”.
Cũng như nhiều loại thịt, giá thịt heo bắt đầu tăng |
Người bán, người mua đều đau đầu
Ghi nhận của phóng viên tại chợ tạm Rạch Đỉa (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè), khách hàng của chợ 90% là công nhân lao động đang làm việc hoặc thuê trọ trên địa bàn. Giá thực phẩm tăng khiến đời sống của công nhân vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn. Chị Hà cho biết thêm: “Phải cân nhắc kỹ trước khi muốn mua món gì đó, bởi công ty hoạt động kém hiệu quả, lương giảm trong khi đó mọi chi phí đều tăng”.
Tìm hiểu qua tiểu thương, nguyên nhân tăng giá thực phẩm tươi sống như thịt gà, thịt heo, thịt bò… là do người dân chê… cá biển. “E ngại cá biển nhiễm độc, chẳng mấy ai dám mua. Vì vậy, mặc dù tôi chỉ lấy mỗi loại cá vài kg/ngày nhưng vẫn không bán hết”, chị Hòa – tiểu thương chợ tạm Rạch Đỉa ngán ngẩm.
Để cầm cự, hay nói khác hơn là giữ được chỗ bán trong chợ, không riêng gì chị Hòa mà các tiểu thương khác đều bán thêm cá nước ngọt. Theo đó, các loại cá bán chạy nhất là cá lóc, cá bông lau, cá lăng… Tuy nhiên, giá có thể đội lên gấp đôi so với trước đây. Chị Hòa thừa nhận: “Chúng tôi bán kiếm lời 2.000-3.000 đồng/kg chứ không thể đẩy lên cao nữa. Giá cao là do giá mua vào đã cao, trong khi đó chi phí chuyên chở cũng tăng theo giá xăng”.
Giá thực phẩm tăng ảnh hưởng chi phí hàng ngày Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của cả nước tăng 0,54% so với tháng trước. Đặc biệt giá thực phẩm tăng cao, đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí hàng ngày của người dân. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác cũng tăng tới 0,56%, xếp thứ 3 về mức độ tăng. Đứng thứ 4 là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống – nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giỏ hàng tính CPI – với mức tăng 0,36% mà nguyên nhân chủ yếu do giá lương thực tăng tới 0,68%, thực phẩm tăng 0,38% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,16%. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, hiện tượng cá chết ở miền Trung đã ít nhiều ảnh hưởng đến giá tiêu dùng tháng 5-2016. Chỉ số nhóm thực phẩm tháng 5 đã tăng 0,38%, chủ yếu tăng ở nhóm hàng các loại thịt. |
Thực phẩm khô cũng tăng giá mạnh trong những ngày gần đây do nhu cầu mua mặt hàng này tăng mạnh. Ông Võ Dương – chợ An Đông – khẳng định: Tiểu thương không tự ý tăng giá mà giá khô nhập vào tăng từ 10.000-20.000 đồng/kg các loại. Bên cạnh đó, các loại mắm đặc sản miền Tây như mắm cá linh, mắm cá trèn, mắm cá lóc, mắm cá sặc…. cũng tăng giá. “Thông thường mùa mưa đến, nhu cầu tiêu thụ khô cao hơn mùa nắng, hơn nữa nguồn hàng nguyên liệu chế biến cũng tăng nên việc giá khô thay đổi là có thể chấp nhận được”, ông Dương nói.
Tiểu thương có nguy cơ bỏ sạp
Thực phẩm tăng giá không chỉ người mua lo mà người bán cũng đau đầu. “Điều chỉnh giá bán là việc mà chúng tôi không hề mong muốn. Mặc dù có loại rau, củ, quả chỉ tăng 1.000 đồng/kg nhưng người mua cũng e dè, khó bán lắm. Nếu tình hình kéo dài sẽ bỏ sạp chứ không trụ nổi”, một tiểu thương bán rau tại chợ Đakao, Q.1 lo lắng.
Bình thường, lượng cá biển tiêu thụ tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) lên đến cả tấn/ngày thì nay chỉ lèo tèo vài mâm cá. Thay vào đó là các loại cá nuôi như cá lóc, cá diêu hồng, rô phi, cá tra… Tuy nhiên, theo các tiểu thương thì người tiêu dùng cũng không mấy mặn mà bởi cá thương phẩm bán ở chợ “ngậm” quá nhiều kháng sinh, gây nguy hiểm đến sức khỏe. Người mua ít. Người bán cũng thấp thỏm âu lo.
Anh Lê Trọng Huỳnh, chủ cửa hàng Hải sản và rau sạch Gành Cá (87 đường Thạch Thị Thanh, P.Tân Định, Q.1) cho biết: Tâm lý khách hàng vẫn còn e ngại sử dụng cá biển. Thực phẩm thay thế bữa ăn gia đình là cá sông đánh bắt tự nhiên tại một số địa phương vùng sông nước miền Tây.
Quan sát tại quầy hải sản, một số cửa hàng bán lẻ và siêu thị, mặc dù đã trưng bảng về nguồn gốc của các loại tôm, cá, nghêu, sò… song khách hàng vẫn không quan tâm lắm. “Họ nói là cá đánh bắt ở vùng biển Cà Mau, Kiên Giang… nhưng làm sao tin được”, một người đi chợ ra vẻ nghi ngờ.
Ông Nguyễn Mạnh Hòa, thương lái chợ cá Hòa Bình (Q.5) kiến nghị, cơ quan chức năng cần có giải pháp tuyên truyền, thúc đẩy việc mua bán cá để đảm bảo cuộc sống của tiểu thương và cũng là cách hỗ trợ tiêu thụ cá ngư dân đánh bắt được.
Bài, ảnh: T.An
Bình luận (0)