Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những đứa trẻ xứ kim chi ở… trường làng (Tiếp theo và hết)

Tạp Chí Giáo Dục

Hậu trào lưu lấy chồng ngoại để đổi đời của hàng chục ngàn phụ nữ ĐBSCL là những đứa trẻ… không có “Tổ quốc”. Tức là không có bất kỳ một thứ giấy tờ nào. Và tương lai của các em sẽ về đâu?

Từ trái qua phải: Cháu Hyerin, chị Bích Ngân, thầy Châu Văn Hồng (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh) và cô giáo Thúy Ái

Đi học nhưng không có học bạ

Chị Trương Thị Bích Ngân (mẹ của Yea Hyerin – học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh, P.Thới An, Q.Ô Môn, Cần Thơ) ao ước: “Em chỉ mong Nhà nước giúp cháu có giấy khai sinh để được học tới nơi tới chốn”. Và đây cũng là mong mỏi của những bà mẹ có con lai Việt – Hàn phải bỏ trốn về VN.

Tính đến cuối năm 2015, Hậu Giang có 353 trẻ được đưa về VN sau khi cha mẹ đổ vỡ hôn nhân, trong đó chỉ 179 trẻ có giấy khai sinh và đến trường, 174 trẻ còn lại không được đi học do vướng về khai sinh. Để tháo gỡ, Sở Tư pháp Hậu Giang đưa ra giải pháp là tiếp nhận hồ sơ và xác nhận đã nhận hồ sơ, chờ xin ý kiến của Bộ Tư pháp, rồi gửi về địa phương cho các em có thể đi học. Nhờ vậy nhiều trẻ được đến trường, chẳng hạn Hong Dae Jun (9 tuổi) theo mẹ là Từ Thị Muội (ấp 8, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) về VN năm 2010. Lúc đó, chị Muội không đem theo bất cứ giấy tờ tùy thân nào.

Hong Dae Jun được nhận vào học tại Trường Tiểu học Vị Thủy 2 năm nay lên lớp 2 nhưng vẫn chưa có giấy khai sinh. Thầy Châu Phước Đại – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết: “Trường nhận các em vào học nhưng nếu không bổ sung giấy khai sinh, quá trình học tập của các em chỉ được theo dõi, ghi nhận rồi để đó chứ trường không dám lập hồ sơ vì điều này sai với quy định. Học tốt, các em vẫn được lên lớp, nhưng do không có học bạ nên trên thực tế không có cơ sở để xác định các em đã lên lớp. Không có học bạ nên các em chỉ học hết bậc tiểu học. Chuyển qua bậc THCS thì các trường sẽ không nhận vì các em chưa có giấy khai sinh hợp pháp. Ngoài ra vẫn có những trường không chấp nhận trẻ nếu không có giấy khai sinh”.

Tại Cần Thơ, nhiều trẻ có hoàn cảnh như Hong Dae Jun cũng được tạo điều kiện đến trường. Đơn cử như các con của chị Phạm Thị Bích Liên (SN 1990, ấp Long Châu, P.Tân Lộc, Q.Thốt Nốt – đây là cù lao nằm giữa dòng sông Hậu, trước được gọi là “đảo Đài Loan”, chục năm trở lại đây đổi tên là “đảo Hàn Quốc”). Hơn một năm sau khi lấy người chồng Hàn hơn mình một tuổi, chị Liên sinh bé Chae Won. Lần mang bầu thứ hai nhà chồng ra tối hậu thư “nếu sinh con gái thì phải phá thai, con trai mới được giữ lại”. Khi biết đứa con trong bụng là gái, chị Liên hoảng sợ ôm Chae Won trốn về VN. Tại quê nhà chị sinh cháu Soo Jin. Để có tiền nuôi con, chị Liên sang Đài Loan làm việc và kết hôn với một người đàn ông bên đó. Đến nay hai cháu không có giấy khai sinh do mẹ không mang giấy chứng sinh của Chae Won về, gia đình mù mờ thông tin nên cũng không làm khai sinh cho Soo Jin, dù cháu sinh ra tại VN… Tuy vậy Chae Won (đã 5 tuổi) vẫn được Trường Mầm non Tân Lộc thu nhận, (hiện cháu đang học lớp Lá); còn Soo Jin (3 tuổi) thì ở nhà quanh quẩn với bà ngoại và các dì.

Trung tâm Chính sách Nhân quyền Liên Hiệp Quốc của Hàn Quốc (Văn phòng Kocun tại Cần Thơ) ngoài việc mở lớp tập huấn giúp các phụ nữ ĐBSCL hiểu biết về các chính sách hỗ trợ gia đình đa văn hóa tại Hàn Quốc, liên quan đến phụ nữ di cư sang Hàn Quốc theo diện kết hôn và cung cấp kiến thức về phong tục tập quán của Hàn Quốc; Kocun còn hỗ trợ tư vấn ly hôn, trích lục hồ sơ miễn phí bên Hàn Quốc, hỗ trợ tư vấn miễn phí cho các trường hợp liên quan đến vấn đề con lai Việt – Hàn.

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh, P.Thới An, Q.Ô Môn, Cần Thơ, chúng tôi gặp chị Trương Thị Bích Ngân (30 tuổi) đến đón con là Yea Hyerin (7 tuổi, học lớp 1). 12 năm trước, Ngân (lúc ấy 18 tuổi) kết hôn với người đàn ông Hàn Quốc hơn cô 24 tuổi. Năm 2009, Ngân sinh cháu Yea Hyerin. Cuộc sống không hạnh phúc, thường bị chồng bạo lực mỗi khi say rượu nên năm 2013, Ngân ôm con bỏ trốn về VN. Chị tâm sự: “Vì sợ con dâu đem cháu trốn về VN nên mọi giấy tờ bên chồng em giữ hết, họ cũng không làm thủ tục cho em nhập quốc tịch Hàn…”.

Đừng bỏ rơi các bé thêm một lần nữa!

Có thể nói những đứa con lai Việt – Hàn như Hong Dae Jun, Yea Hyerin, Chae Won và Soo Jin là những đứa trẻ bị bỏ rơi. Trước tiên là bị cha của các em bỏ rơi. Để rồi bây giờ các em không có một miếng giấy tùy thân, thậm chí đó chỉ là tờ giấy khai sinh… Và không có giấy khai sinh, cuộc đời của các bé dường như bị chặn lại.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giáo dục TP.HCM, nhằm tạo điều kiện để trẻ có yếu tố nước ngoài sinh sống tại VN được học tập, được chăm sóc sức khỏe, từ năm 2014, UBND các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã ra công văn chỉ đạo 3 ngành giáo dục, công an và tư pháp phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em mang quốc tịch nước ngoài đang sinh sống trên địa bàn được tham gia học tập. Tuy nhiên, không giấy tờ chứng minh sẽ rất khó cho địa phương và chính quyền nơi trẻ cư trú trong công tác quản lý cũng như việc học của các cháu. Hàng năm, vào thời điểm cuối năm học, các xã, phường, thị trấn đều kết hợp cán bộ phổ cập giáo dục tại trường phổ thông, mẫu giáo tiến hành điều tra, hoặc kiểm tra lại danh sách trẻ trong độ tuổi đến trường để phát giấy báo ra lớp. Trẻ có yếu tố nước ngoài không có hộ khẩu hoặc giấy khai sinh, đương nhiên bị lọt khỏi danh sách huy động ra lớp vì cán bộ phổ cập không có cơ sở để đối chiếu, lập danh sách. Có thể nói, nhiều tỉnh, thành không thể kiểm soát nổi số trẻ có yếu tố nước ngoài để giúp các em hưởng những quyền lợi dành cho trẻ em…

Còn với những trẻ được đi học như Yea Hyerin thì theo thầy Châu Văn Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh, P.Thới An, Q.Ô Môn, Cần Thơ: “Yea Hyerin không có giấy khai sinh nên không thể làm học bạ. Do vậy hoàn toàn không có giấy tờ nào chứng nhận việc học của cháu. Theo chỉ đạo của Phòng GD-ĐT quận, nhà trường đã đưa mẹ con cháu đến Sở Tư pháp Cần Thơ xin làm giấy khai sinh nhưng nhận được câu trả lời là thiếu giấy tờ, làm không được”…

Chính vì vậy không chỉ riêng Cần Thơ mà nhiều tỉnh thuộc ĐBSCL vẫn còn một số trẻ không ra lớp. Nguyên nhân không chỉ bởi chính quyền địa phương không biết mà còn bởi gia đình các em thất vọng vì quá trình học của các em không được ghi nhận. Do vậy những cố gắng của ngành giáo dục các tỉnh ĐBSCL chỉ là giải pháp tạm thời. Việc học lên cao của những đứa trẻ xứ sở kim chi ở VN sẽ vô cùng khó khăn, do thiếu học bạ. Nếu không tháo gỡ những vướng mắc trên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của trẻ về trước mắt lẫn lâu dài.

Một trong những điểm sáng trong việc giúp các trẻ có yếu tố nước ngoài đến trường là Q.Ô Môn, Cần Thơ. Ông Ngô Hoàng Khang – Trưởng phòng GD-ĐT Q.Ô Môn – khẳng định: “Chúng tôi cố gắng không để cháu nào đến tuổi đi học mà không được ra lớp. Do các cháu không được nhập hộ khẩu nên không nằm trong danh sách phổ cập giáo dục. Vào mỗi đầu năm học, Phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường đến tận các khu vực, ấp phối hợp tổ trưởng tổ nhân dân rà soát những trẻ có yếu tố nước ngoài để động viên gia đình, giúp các em đến trường, đặc biệt trẻ không có khai sinh. Tôi cho rằng, cứ giúp các cháu đến trường trước, chuyện bổ sung giấy tờ tính sau”.

Mới đây (ngày 12-5-2016), Bộ Tư pháp đã có công văn gửi sở tư pháp các tỉnh, thành trong nước rà soát tình hình trẻ em là con của những cô dâu Việt kết hôn với người nước ngoài hiện đang sống tại VN, trong đó đề xuất những giải pháp về chính sách pháp luật để bảo vệ quyền lợi các em. Theo yêu cầu của Cục Hộ tịch quốc tịch chứng thực (Bộ Tư pháp) thì hết tháng 7-2016, các địa phương trong cả nước phải rà soát, phân loại, đánh giá từng nhóm trẻ em. Đây là cơ sở để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng chỉ đạo các sở tư pháp, đối với những em chưa đăng ký khai sinh, chưa có quốc tịch sẽ được tiến hành ngay việc đăng ký khai sinh, xác định quốc tịch ở VN. Với các em đã có quốc tịch nước ngoài, Cục Hộ tịch sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp trao đổi với Bộ Ngoại giao có biện pháp bảo hộ và bảo vệ trong trường hợp cần thiết.

Bài, ảnh: Đan Phượng

Bình luận (0)