Chương trình sách giáo khoa (SGK) khối 12 mà chúng tôi đang dạy đều hợp lý, nhiều tác phẩm hay có chọn lọc. Tuy nhiên hầu hết đều dài trong lúc thời lượng chỉ nằm trong 2 tiết nên giáo viên không đủ thời gian dạy. Có thể kể đến các tác phẩm như Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm). Riêng vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt (Lưu Quang Vũ) dù đậm chất triết lý nhưng khi học các em tiếp thu tốt, tuy nhiên chương trình chỉ gói gọn trong 2 tiết nên giáo viên dạy không đủ. Đây là tiết học thường được phân vai diễn trên sân khấu trong các tiết thao giảng nên cần nhiều thời gian hơn các bài học khác.
Bên cạnh đó nhiều bài học sinh có vẻ chán như: Mấy ý nghĩ về thơ (Nguyễn Đình Thi) phù hợp với dạng nghiên cứu lý luận văn học mà lại dài, các em không có cơ hội để cảm nhận hết. Văn bản nhật dụng Thông điệp nhân Ngày thế giới phòng chống AIDS, 1-12-2003 (Cô-phi An-nan) thiếu chất văn nên khô khan. Chủ yếu hướng dẫn cho học sinh cách viết, bố cục của một văn bản theo hướng tập làm văn.
Ở học kỳ 2 có hai bài đứng gần nhau Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) và Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường) là không cần thiết vì có cảm giác chương trình lặp lại. Các em vừa học xong sông Đà rất hay lại học liền thêm một con sông khác không hấp dẫn bằng nên dễ chán. Có thể mục đích của người biên soạn là để so sánh vẻ đẹp khác nhau của thượng nguồn và hạ nguồn của hai dòng sông nhưng lại không phù hợp với người học. Nhiều người lấy làm tiếc khi bỏ truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng (Nguyễn Minh Châu) ra ngoài SGK nhưng chắc là dụng ý riêng của người biên soạn. Nếu bài thơ Lưu biệt khi xuất dương (Phan Bội Châu) vừa phải thì bài Hầu trời (Tản Đà) lại quá dài.
Xét về tổng thể, hầu hết các tác phẩm đưa vào SGK đều dài làm cho chương trình nặng nề hơn. Học sinh phải thật sự yêu thích bộ môn này mới học được. Tuy nhiên thực tế thì lại khác. Khi các em có thời gian chuẩn bị tốt ở nhà thì lên lớp sẽ tiếp thu nhanh. Nhưng các em lại không tự giác nên càng mất thời gian hơn. Giáo viên yêu cầu đọc văn bản nhưng học sinh không thực hiện thì việc tiếp thu trên lớp sẽ bị hạn chế. Các văn bản ngoài đoạn trích thì hiếm khi các em đọc.
Ưu điểm của SGK hiện nay là hệ thống câu hỏi hợp lý, phần hướng dẫn học bài cũng cụ thể và sát thực tế. Tuy nhiên chúng tôi thấy, đã có nhiều ý kiến đề nghị từ cơ sở nhưng mỗi lần thay SGK hầu như ít thay đổi, chủ yếu là do định hướng của người biên soạn. Và lúc đó người gánh chịu không ai khác là các em học sinh và giáo viên dạy bộ môn ngữ văn.
Lê Thị Kim
(Trưởng bộ môn ngữ văn
Trường THPT Phú Nhuận TP.HCM)
Bình luận (0)