Hai giờ sáng, đang ngon giấc, điện thoại của tôi réo inh ỏi. Hóa ra “tội đồ” là cái công thức nướng thịt tôi chia sẻ trong group kín có tên Giường êm bếp ấm. Một người ở tận trời Tây quên mất việc trái múi giờ đã dựng tôi dậy, nhờ tôi cứu mẻ thịt nướng đang chát khét vì quá nhiều mật ong của cô ấy.
Chuyện này giờ là bình thường với tôi mất rồi. Sáng sớm, đêm khuya cứ “ting, ting” tiếng tin nhắn của khắp các group. Ăn cơm, nấu nướng cũng tha cái điện thoại vào bếp. Họp hành tại cơ quan sếp nói gì mặc kệ, cứ dấm dúi bấm quẹt cái điện thoại dưới bàn. Toàn là chuyện của các nhóm kín.
Một hôm, chị em phòng chúng tôi ngồi thống kê, xem mình đang “lặn lội” trong bao nhiêu group, thật ngạc nhiên, con số của mỗi người xê dịch từ vài chục tới hơn trăm. “Bèo” như tôi cũng tham gia tới 30 nhóm nhỏ to, kín hở trên Facebook. Khoảng 10 nhóm Viber và 20 nhóm Zalo thì có thể gọi là “kín mít”.
Có thể ai đó cười tôi, nhưng nếu từng lang thang trong các group, bạn sẽ hiểu, sức ảnh hưởng của chúng thật ghê gớm. Từ người thờ ơ với mua sắm, tôi thành con nghiện đặt hàng trực tuyến lúc nào không hay. Lúc đặt hàng thì “sướng tay”, chứ lúc trả tiền thì mới biết khổ.
Như cái nhóm kín Giường êm bếp ấm mà tôi tham gia kia, dù tiêu chí của nhóm là không bán hàng nhưng thật sự có rất nhiều cách quảng bá dịch vụ, bán mua qua các hình thức: thanh lý, tặng quà cho khách, “mua dư xài không hết mấy chai nước hoa”, “cần gấp dịch vụ chạy giấy tờ, nhờ giới thiệu”… Lượng người tham gia mấy vạn, nên món nào được post lên là bán chạy rào rào. Chủ nhóm là một phụ nữ thật thông minh, khi liên tục đẩy các chủ đề mang tính chia sẻ thông tin, hướng dẫn chị em làm phụ nữ đảm đang. Nhưng ẩn sâu dưới những tầng tầng lớp lớp lòng tốt đó, vẫn là hiệu quả kinh doanh.
Các thành viên biết chứ, nhưng nó là sự cám dỗ khó chối từ, bởi cách giới thiệu hàng khéo léo, dựa trên tinh thần giúp đỡ, tương trợ nhau, kiểu như tôi chia sẻ công thức ướp thịt nướng thì vô tư, nhưng nếu tôi “khều” thêm rằng tôi ướp ngon hơn nhiều lần từ khi dùng sá xị X, ớt sa tế Y hay mật ong Z mà chính bạn bè tôi đang phân phối, thì lại khác.
Mới đây, một nhóm kín dành cho phụ nữ tuổi 40 ra đời với tiêu chí dìu nhau qua những khó khăn, cô đơn để sống tươi đẹp, tự chủ. Quản trị nhóm giới thiệu chị lập nhóm để giúp đỡ người khác một cách vô tư. Tuy vậy, sau hơn năm tháng chiêu mộ và thu phục được đám đông qua các hành động từ thiện, cho-tặng-biếu đồ đạc cá nhân, chị bắt đầu tổ chức các lớp dạy trang điểm với những câu quảng bá như “lớp học miễn phí, chỉ nhận tiền trà nước và cơm trưa 500.000 đồng”. Các thành viên tranh nhau đăng ký học, mà không biết rằng đó là một kiểu kinh doanh khéo léo. Và chị admin kia chính là giám đốc một doanh nghiệp dịch vụ làm đẹp. Tham dự rồi mới biết, làm gì có phần cơm nước nào đến 500.000 đồng, chỉ với 1-2 tiếng! Miễn phí mà không hề miễn phí!
Hiểu được sức mạnh của bán hàng group, bạn tôi bỏ làm công ty nước ngoài ở nhà săn hàng hiệu bán cho bạn bè. Group của cô ấy có đủ thứ, từ quần áo trang sức tới đồ chơi trẻ em, được giới thiệu là hàng xách tay. Những hướng dẫn yêu thương kiểu chị em mách nhau, cùng với việc người bán có địa chỉ, có quen biết nên tạo lòng tin tuyệt đối cho người mua. Đến nỗi, bây giờ tôi mặc định chỉ mua son, đồ chơi trẻ em của cô ấy và không mảy may lo hàng giả hay hàng Tàu.
Gần đây tôi tự hỏi có nên nghỉ việc để… khởi nghiệp, tạo một group thử sức kinh doanh hàng thực phẩm làm sẵn, như kiểu thịt nướng ướp thật ngon chẳng hạn? Đang tính tới tính lui thì người bạn từ Pháp buồn rầu “chát” với tôi: cô định chuyển hàng Pháp về Việt Nam bán cho bà con nhưng chồng cô phản đối. Anh nói, dù chỉ bán món hàng vài chục ngàn đồng, cũng phải lập công ty, kê khai doanh thu, phải đóng thuế, chứ không được chuyển hàng hậu xuyên quốc gia, trốn thuế là không đàng hoàng.
Tôi ngớ ra, hóa ra có nhiều cách kinh doanh hiệu quả và rổn rảng nhưng chỉ là “còn có kẽ hở pháp luật” nên “chưa ai sờ gáy”. Tôi có nên len lỏi kẽ hở trước khi mọi thứ được phơi bày? Hay cứ ráng làm “người tử tế” mà nghèo?
Minh Lê/TBKTSGO
Bình luận (0)