Kinh tế - Giáo dục

Coi chừng hàng Trung Quốc gian lận xuất xứ

Tạp Chí Giáo Dục

Sẽ là thảm họa nếu các doanh nghiệp Việt để hàng hóa Trung Quốc mượn danh hàng Việt Nam rồi xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác.

Thương chiến Mỹ-Trung đang đẩy các công ty Mỹ và Trung Quốc (TQ) sang Việt Nam (VN) tìm nơi trú chân sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, cơ hội này cũng ẩn chứa không ít rủi ro mà VN cần có những ứng phó phù hợp để tránh bị Mỹ đánh thuế oan. Đặc biệt cần cẩn trọng để tránh việc các công ty TQ mượn xuất xứ hàng VN rồi xuất sang Mỹ.

Đó là cảnh báo của nhiều đại biểu tại hội thảo “Cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung: Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp” tổ chức ngày 25-6 tại TP.HCM.

Phải cực kỳ tỉnh táo

Luật sư Ken Đạt Dương, Công ty Luật TDL (Mỹ), cho biết một công ty của Mỹ đã hoạt động tại TQ hơn 15 năm trong lĩnh vực cung cấp hoa, chậu bông cho thị trường Mỹ. Nhưng khi thương chiến Mỹ-Trung nổ ra, họ đã quyết định chuyển hoạt động kinh doanh sang VN để né thuế. “Chính tôi đang làm thủ tục pháp lý cho họ lựa chọn đối tác VN. Hiện đã có ba nhà máy VN nằm trong tầm ngắm của doanh nghiệp này” – ông Dương tiết lộ.

Điều thú vị ở đây là công ty này đang có đến hơn 100 nhà cung cấp tại TQ. Khi công ty này quyết định sang VN đồng nghĩa họ loại bỏ các nhà cung cấp TQ để thay bằng đối tác VN. Chính vì thế, các công ty VN nên chuẩn bị tâm thế hợp tác với các công ty Mỹ vì đây là cơ hội học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt công nghệ và tìm kiếm nguồn lực tài chính.

“Tuy nhiên, các công ty Mỹ không chỉ chuyển nhà máy mà họ còn tìm kiếm mua lại các công ty VN bằng các thương vụ mua bán và sáp nhập để hưởng ưu đãi thuế và nhanh chóng triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để nắm lấy cơ hội này, doanh nghiệp Việt phải minh bạch tài chính, thực hiện đúng các quy định luật hiện hành” – ông Dương cho biết.

Luật sư Ken Đạt Dương cũng lưu ý: “Với các công ty TQ phải hết sức cẩn trọng. Bởi các doanh nghiệp TQ sẽ đi đường vòng sang VN để né thuế bằng cách sử dụng thủ thuật gian lận để dán nhãn, chứng nhận xuất xứ “Made in Vietnam” để xuất khẩu sang Mỹ”.

“Nếu Mỹ phát hiện được hành vi này, họ sẽ đánh thuế lên sản phẩm đó. Bài học rõ nhất là thép (thép VN bị Mỹ đánh thuế rất cao vì bị nghi để thép TQ núp bóng – PV). Khi đó, công ty Việt chỉ còn nước phá sản vì khó có thể đủ tiền để trả cho mức thuế rất cao. Do đó VN cần kiểm soát chặt chẽ điều này, đừng tạo cửa hậu cho TQ né thuế” – luật sư Dương nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Phạm Sỹ Thành, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP), nhìn nhận vấn đề hàng TQ đội lốt hàng VN tạo ra nguy cơ lớn. Đây sẽ là giai đoạn mà các công ty VN cần phải cực kỳ tỉnh táo. Bởi thực trạng này sẽ là thảm họa nếu các doanh nghiệp cứ để hàng hóa TQ mượn danh hàng VN, sau đó xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác.

Coi chừng hàng Trung Quốc gian lận xuất xứ - ảnh 1
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gây áp lực tỉ giá đồng Việt Nam. Trong ảnh: Giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh: TL

Ông Thành nhấn mạnh: “Nếu tình trạng này diễn tiến liên tục, sản phẩm xuất khẩu của VN sẽ bị rơi vào tình huống bị trừng phạt bởi lẩn tránh xuất xứ hàng hóa. Doanh nghiệp Việt hưởng lợi trong ngắn hạn nhưng sẽ bị tác động tiêu cực trong dài hạn”.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày, Túi xách TP.HCM, đánh giá chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã giúp mở rộng cơ hội cho các công ty Việt gia tăng hàng xuất khẩu. Đến thời điểm hiện nay, hiệp hội chưa phát hiện các công ty TQ mượn xuất xứ Việt xuất khẩu sang Mỹ.

“Tuy nhiên, chúng tôi liên tục kêu gọi và khuyến cáo doanh nghiệp không tiếp tay cho các hành vi này, vì nếu không ngành da giày sẽ thiệt hại rất nặng. Hiện thuế suất sang Mỹ với mặt hàng này đã là 13%-15%. Nếu Mỹ áp thuế VN thì còn cao hơn cả việc Mỹ đang áp thuế TQ” – ông Khánh nói.

Có thể bị vạ lây từ Huawei

TS Phạm Sỹ Thành cho rằng VN cũng chịu nhiều tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, chứ không đơn giản hưởng lợi. Đó là chủ nghĩa bảo hộ gia tăng gây bất lợi cho nền kinh tế có độ mở cao như VN; nhu cầu nhập khẩu từ TQ giảm; nhiều mặt hàng của TQ không thể xuất khẩu sang Mỹ vì thuế cao sẽ được đẩy sang VN.

“Điển hình là xuất khẩu các hàng hóa như điện tử, điện thoại, máy tính… sang TQ sụt giảm. Kim ngạch xuất khẩu của VN sang TQ trong bốn tháng đầu năm nay giảm 5,8% so với cùng kỳ, trong đó điện thoại di động giảm 5,8% và thủy sản giảm 31,5%” – ông Thành dẫn chứng.

Theo luật sư Ken Đạt Dương, VN đang phụ thuộc rất nhiều vào nguyên phụ liệu lĩnh vực điện tử đến từ TQ. Điều này tưởng như bình thường nhưng tiềm ẩn không ít rủi ro. Bởi nếu mua nguyên liệu để phát triển sản phẩm mang thương hiệu Việt, sử dụng nội địa không thành vấn đề nhưng xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ có thể gặp rắc rối.

Ông Dương dẫn chứng một công ty Việt tự thiết kế toàn bộ phần mềm cho sản phẩm, song phần cứng lại mua từ Tập đoàn Huawei (TQ) để cấu thành lên sản phẩm trong khi Mỹ đã có lệnh cấm mua bán với Huawei. Hệ quả là công ty Việt không thể đưa sản phẩm đó xuất khẩu qua Mỹ.

Mặt khác, theo luật sư Dương, việc các công ty Mỹ vào VN không phải lúc nào doanh nghiệp Việt cũng hưởng lợi. Ví dụ, các công ty Mỹ có xu hướng trả lương cao để thu hút người tài từ các doanh nghiệp Việt vào làm. Do đó, các công ty Việt phải tính toán một mức lương và những trợ cấp tốt để giữ nhân tài.

“Phá giá tiền sẽ chuốc lấy thất bại”

Một vấn đề quan trọng được các chuyên gia đề cập tại hội thảo là tỉ giá đồng VN sẽ diễn biến ra sao trước thương chiến Mỹ-Trung. Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, VN sẽ không phá giá tiền đồng vì giá trị đồng tiền đảm bảo nền tảng vĩ mô và tạo ra niềm tin.

Hơn nữa, nếu phá giá sốc tiền đồng sẽ đẩy VN vào tình trạng tăng nợ, trong bối cảnh nợ quốc gia đã ở mức cao. Thứ hai, khi phá giá tiền đồng sẽ khuyến khích dòng vốn đi ra nước ngoài chứ không phải đi vào nước ta trong khi VN đang muốn thu hút nguồn vốn chảy vào.

“Điều cần làm hiện nay là củng cố, gia tăng giá trị tiền đồng bằng tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế. Đó là con đường chính chứ không phải phá giá đồng tiền sẽ chuốc lấy thất bại” – TS Trần Du Lịch nhấn mạnh. 

Theo Phương Minh/PLO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)