Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Lại chuyện đề án!

Tạp Chí Giáo Dục

Năm học 2015-2016 vừa kết thúc thì bất ngờ thêm sách giáo khoa song ngữ ở bậc tiểu học. Sách giáo khoa này là công cụ và phương tiện để triển khai Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. Trong khi đề án này chỉ yêu cầu triển khai ở bậc THPT.

Theo mục tiêu đề ra của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, đến năm 2015 sẽ triển khai dạy môn toán bằng ngoại ngữ ở các trường THPT tại các thành phố lớn. Tuy nhiên có một số nơi đã triển khai dạy song ngữ ở bậc THCS từ năm 2015-2016 và năm học tới dự kiến mở rộng xuống bậc tiểu học.

Chuyện thực hiện đề án này đã làm cho các bậc phụ huynh ở bậc tiểu học bối rối vì đã mua sách giáo khoa ở một số trường cho năm học mới rồi, và chẳng biết con mình sẽ học sách đã mua hay sách song ngữ mới xuất bản. Một số trường đã cho thu lại bộ sách in bằng tiếng Việt và thông báo sẽ phát sách song ngữ sau. Theo tôi điều này chưa quan trọng bằng việc giáo viên dạy sách song ngữ có đáp ứng được yêu cầu giảng dạy hay không, mặc dầu trong đề án còn có nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên dạy toán, các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh trong trường phổ thông, bởi lẽ ban đại diện đề án còn cho biết: “Đề án không chỉ đạo thực hiện thí điểm ra sao mà chỉ “đi theo” hỗ trợ trong chức năng nhiệm vụ được phân công”. Thậm chí có người trong ngành giáo dục còn phát biểu rằng “Sách này là giải pháp thực hiện đề án ngoại ngữ quốc gia hiệu quả, là điều kiện hỗ trợ tốt trong khi giáo viên chưa đủ khả năng giảng dạy hết thì học sinh tự học, tham khảo rất tốt!”.

Người xưa thường nói biết mười thì dạy một, còn bây giờ chưa biết hoặc biết ít mà dạy thì có kết quả hay không? Hơn nữa cái gì cũng vậy, nhất là vấn đề khoa học rất cần có lộ trình thực hiện, mà đề án là vấn đề khoa học mang tính chất thực nghiệm nên cần một lộ trình cụ thể rõ ràng hơn thì mới mong có kết quả.

Nguyễn Văn Học (Đà Nẵng)

Bình luận (0)