Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Học nghề: Việc nhiều, lương khởi điểm cao

Tạp Chí Giáo Dục

Số người từ trình độ CĐ trở lên đang thất nghiệp ở mức cao và tăng nhanh trong khi tỷ lệ học sinh học nghề có việc làm gần đây lại rất khả quan. Có những nghề như lái xe ô tô có mức lương khởi điểm rất cao, gần chục triệu đồng/tháng.

Sinh viên chờ nộp hồ sơ ứng tuyển việc làm tại một ngày hội việc làm tổ chức ở TP.HCM

Theo báo cáo của 63 tỉnh/thành năm 2015, tỷ lệ học sinh học nghề tốt nghiệp có việc làm đạt khoảng 70%. Tại nhiều trường, có những nghề trên 90% học viên có việc làm ngay sau tốt nghiệp…

Lương khởi điểm cao nhất 7-9 triệu đồng

TS. Nguyễn Hồng Minh (Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá, chất lượng đào tạo nghề thời gian qua từng bước được nâng lên. Lao động qua đào tạo nghề tham gia vào hầu hết lĩnh vực ngành nghề của các khu công nghiệp, đảm nhận được các vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do kỹ thuật viên nước ngoài thực hiện. Trong đó, một số nghề có số lượng học viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp cao như: kỹ thuật khai thác hầm lò (94%); kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò (94%); hàn (91%); công nghệ dệt (87%); công nghệ hóa nhuộm (85%); kỹ thuật xây dựng (86%); lâm sinh (82%); may thời trang (81%); kỹ thuật dược (81%); nghiệp vụ nhà hàng 77%…

Báo cáo của các sở LĐ-TB&XH cũng cho thấy, ngay trong quá trình thực tập tốt nghiệp, đã có nhiều học viên (nhất là những học viên khá, giỏi) được doanh nghiệp cam kết tiếp nhận vào làm việc sau tốt nghiệp. Bình quân mức lương khởi điểm của học viên sau khi tốt nghiệp đạt 3-3,5 triệu đồng/tháng. Trong đó, nghề lái xe ô tô hạng E và hạng F có mức lương khởi điểm cao nhất (7-9 triệu đồng/tháng); mức thấp nhất không dưới 2 triệu/tháng.

Cùng với chất lượng đào tạo nghề, số lượng cơ sở dạy nghề và số lượng tuyển sinh học nghề cũng không ngừng tăng lên. Tính đến tháng 12-2015, cả nước có 1.467 cơ sở đào tạo nghề, tăng 3,5% so với năm 2010. Giai đoạn 2011-2015, kết quả tuyển sinh tăng 18% so với giai đoạn 2006-2010.

Kéo doanh nghiệp tham gia mạnh đào tạo nghề

Việc đào tạo nghề còn đang đứng trước nhiều thách thức do không ít doanh nghiệp chưa thực sự chủ động tham gia hợp tác với cơ sở dạy nghề, chưa biết có chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp khi tham gia đào tạo nghề.

TS. Nguyễn Hồng Minh nhận định, theo chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, cần thu hút doanh nghiệp tham gia mạnh vào đào tạo và phát triển nhân lực, đẩy mạnh gắn kết các cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, mở rộng hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, thể chế hóa trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phát triển nhân lực. Thế nhưng, việc đào tạo nghề còn đang đứng trước nhiều thách thức do không ít doanh nghiệp chưa thực sự chủ động tham gia hợp tác với cơ sở dạy nghề, chưa biết có chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp khi tham gia đào tạo nghề. Đồng thời, doanh nghiệp còn chưa cung cấp nhu cầu nhân lực hằng năm nên thực tế các trường vẫn chủ yếu đào tạo theo khả năng “cung” của mình chứ chưa theo “cầu” của phía tuyển dụng. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp chỉ muốn tuyển lao động phổ thông, không qua đào tạo nghề một phần vì tính chất công việc sản xuất, phần khác vì người lao động qua đào tạo phải trả lương cao.

Các cơ sở dạy nghề cũng có phần thụ động trong thiết lập quan hệ hợp tác doanh nghiệp, chưa lập được bộ phận chuyên kết nối với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu lao động. TS. Nguyễn Hồng Minh cho rằng, thời gian tới cần đẩy mạnh phát triển các trung tâm đảm trách nhiệm vụ này ở các trường TC, CĐ trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Các trung tâm này phải có tính chuyên nghiệp cao, đội ngũ nhân viên phải được trang bị các kiến thức chuyên ngành về quan hệ khách hàng, marketing… Thực tế, thời gian qua, cơ sở dạy nghề nào có đơn vị quan hệ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì cơ sở đó có sự gắn kết tốt với doanh nghiệp và chất lượng đào tạo được nâng lên.

Xây dựng mô hình “trường trong doanh nghiệp” cũng là một trong những giải pháp được TS. Nguyễn Hồng Minh nêu ra đối với nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Mô hình này đã được thực hiện từ lâu tại nhiều nước, trong đó nhấn mạnh vai trò đào tạo của doanh nghiệp mà giáo viên chính là những thợ bậc cao, kỹ sư lành nghề trong chính doanh nghiệp. Đồng thời, hình thành hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp có sự phân tầng gồm trường chất lượng cao, đào tạo những nghề mũi nhọn đáp ứng nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp lẫn những trường đào tạo ngành nghề phổ biến, nhân lực có tính đại trà…

Bài, ảnh: Thục Trân

Bình luận (0)