Bên cạnh việc học từ đồng nghĩa để làm phong phú vốn từ, quan tâm học từ trái nghĩa cũng có ý nghĩa tương tự. Bởi nếu được dạy tích cực, học sinh dễ hình thành phản xạ để tìm từ hoặc cách diễn đạt tương phản, rất có ích trong trường hợp thể hiện ý nghĩa phủ định với ý trước đó hoặc ở việc phản bác, tranh luận trong hoạt động giao tiếp.
Một tiết học tác phẩm văn học dân gian của học sinh Trường THPT Tây Thạnh,TP.HCM (ảnh minh họa). Ảnh: N.Tuấn
Từ trái nghĩa là những từ có nghĩa trái ngược nhau. Trái ngược ở đây bao gồm cả sự tương phản, đối lập về hình thức, hiện tượng, tính chất hoặc về hành động. Tức là có cả danh từ, động từ và tính từ mang nghĩa trái ngược nhau, chứ không phải chỉ có tính từ như một số người hiểu. Từ trái nghĩa về hình thức, hiện tượng có thể kể: bản chất – hiện tượng, đông – tây, bắc – nam, cá nhân – tập thể, cảm tính – lý tính, chất lượng – số lượng, chủ – khách… Từ trái nghĩa về tính chất có: ác – thiện, ẩm – khô, bấc – chì, bi quan – lạc quan, bí mật – công khai, bình tĩnh – bối rối, buồn – vui, cao – thấp… Từ trái nghĩa về hành động thì có: ẩn – hiện, bán – mua, bắt đầu – kết thúc, thống trị – bị trị, bỏ – lấy, bớt – thêm, chê – khen, chết – sống, chìm – nổi…
Một từ nhiều nghĩa có thể thuộc nhiều cặp từ trái nghĩa khác nhau. Chẳng hạn, cặp trẻ – già là sự trái ngược nhau về tuổi tác (tuổi trẻ với tuổi già), nhưng cặp non – già thì là sự trái ngược về tính chất (như rau non với rau già); hay cặp đi – về tương phản về hướng đi (“đi” là rời khỏi nơi đang có mặt, còn “về” là quay lại nơi xuất phát), cặp đi – ở là sự trái ngược về tính chất di chuyển (“đi” là rời khỏi một vị trí, địa điểm nào đó, còn “ở” là lưu lại một vị trí, địa điểm nào đó), cặp đi – đến là sự trái ngược về đích đến của hành động di chuyển (“đi” là di chuyển khỏi một vị trí nào đó được coi là điểm xuất phát, còn “đến” là dừng lại một địa điểm được xem là đích sau một chặng di chuyển)…
Sử dụng từ trái nghĩa khéo léo có thể tạo nên sự đối lập, tô đậm và làm nổi bật hình ảnh và tình cảm khi biểu đạt. Đặc biệt, trong một số trường hợp, khéo vận dụng từ trái nghĩa sẽ tạo nên sự đối đáp chan chát, rất thú vị. Chẳng hạn, ca dao có câu: “Chuột chù chê khỉ rằng hôi/ Khỉ mới trả lời cả họ mày thơm”. Ta thấy ở đây có 2 cặp mang ý trái ngược nhau: Chuột chù chỉ chê có mỗi một cá thể khỉ (một con khỉ) nhưng khỉ đáp lại với “cả họ” mang ý nhấn rất mạnh; chuột chù chê khỉ “hôi”, còn khỉ đáp lại là dòng họ nhà chuột “thơm”, thực chất tô đậm cái “hôi” của chuột bằng lối biểu đạt rất sắc sảo. Giả sử câu sau đổi thành “Khỉ mới trả lời cả họ mày hôi” nhằm chỉ nhấn mạnh yếu tố số lượng thì độ tương phản giảm đi nhiều, yếu tố sắc sảo cũng không thể hiện được rõ, dù rằng cả hai câu tuy có dùng từ trái nghĩa nhau thì vẫn mang cùng một nghĩa.
Do đó, các từ trái nghĩa được sử dụng hợp lý có thể tạo ra sự tương phản, gây ấn tượng mạnh, khiến lời nói thêm sinh động, hiệu quả giao tiếp (đặc biệt là trong tranh luận) càng được tăng cao. Chẳng hạn, hai người tranh cãi nhau, một người nói: “Anh là người ích kỷ”; người kia có thể đáp lại bằng mấy hình thức có dùng từ trái nghĩa: “Vâng, chỉ có anh là người rộng rãi” (1) hoặc “Vâng, chúng ta một ruột cả” (2). Trong câu (1), “chỉ có anh” là cách thể hiện nhấn mạnh tính tương phản của ngôi số hai để đối lại với ngôi số một (lúc đó người nghe trở thành người nói) khi đối phương nói về mình, hàm ý mỉa mai, châm biếm; từ ích kỷ được đối lại bằng rộng rãi, có giá trị giống như lời “khen” của khỉ đối với chuột chù. Trong câu (2), từ “chúng ta” đã “kéo” đối phương buông ra lời phê phán vào cái “rọ” đó nên dù không trực tiếp phản bác thì cũng thể hiện sự chỉ trích nặng nề mà bằng một lời rất nhẹ, mang ý châm chích sâu cay.
Khi dạy về bài từ trái nghĩa hoặc gặp các tình huống có thể sử dụng các từ trái nghĩa, giáo viên nên quan tâm gợi mở để học sinh suy nghĩ, từ đó góp phần làm giàu vốn từ và làm phong phú thêm cách diễn đạt, nhất là với các trường hợp có ẩn ý sâu sắc. Hoặc giáo viên có thể yêu cầu học sinh tìm các từ trái nghĩa và đặt câu với nó để giúp các em tìm được cả từ lẫn cách diễn đạt phù hợp nhằm mang một hiệu quả thông tin, biểu cảm thuyết phục nhất. Trong đó, có thể đặt hai câu song song, một câu dùng từ cho trước, câu kia dùng hình thức phủ định với câu trên bằng một từ trái nghĩa (theo phép phủ định của phủ định mang ý nghĩa khẳng định), từ đó so sánh giá trị biểu cảm. Thí dụ: “Nam là một học sinh chăm chỉ” và “Nam là một học sinh không lười biếng”. Chăm chỉ và lười biếng là một cặp từ trái nghĩa nhau nhưng khi biểu đạt bằng lối phủ định thì ý nghĩa không hoàn toàn khớp với nhau, bởi “chăm chỉ” khác xa với “không lười biếng”, trong khi “chăm chỉ” mang nghĩa chủ động và tích cực còn “không lười biếng” lại mang nghĩa thụ động và không hoàn toàn tích cực.
Dĩ nhiên, cũng cần quan tâm một số trường hợp có nghĩa đối nhau nhưng không thể hiện tính trái ngược, tương phản nên không phải là từ trái nghĩa. Năm 2002, đề thi tốt nghiệp tiểu học môn tiếng Việt ở tỉnh Cần Thơ (khi đó chưa tách thành thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang như hiện nay) có yêu cầu học sinh tìm và ghi ra từ trái nghĩa với từ “bà ngoại” trong câu: “Một hôm, Sẻ được bà ngoại gửi cho một chiếc hộp đựng đầy hạt kê”. Theo Sở GD-ĐT tỉnh Cần Thơ, đáp án của phần này là “bà nội”. Do có nhiều ý kiến tranh luận nên sở đưa thêm vào đáp án các từ “ông nội”, “ông ngoại”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngôn ngữ học, không thể có từ trái nghĩa với từ “bà ngoại”, nên ra đề như thế là không chính xác. Dù rằng “nội” và “ngoại” là cặp từ trái nghĩa nhưng “bà nội” và “bà ngoại” không thể xem là trái nghĩa nhau được.
Tương tự như vậy, “đỏ” và “đen” hoặc “đỏ” và “xanh” cũng không phải là các cặp từ trái nghĩa, bản thân các màu đó tuy có khác nhau nhưng không phải là những màu trái ngược nhau, như trường hợp của “đen” và “trắng”. Đây là điều thực sự cần lưu ý để tránh nhầm lẫn.
Nguyễn Minh Tâm
Bình luận (0)