Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khuyến đọc: không chỉ có đọc

Tạp Chí Giáo Dục

Một trong những hiểu lầm về công tác khuyến đọc là cha mẹ thường quan niệm trẻ phải đọc các sách đầy chữ. Càng đọc những quyển sách dày trang, hay nhiều đầu sách càng tốt. Tuy nhiên, với phương hướng đó, hiệu quả đọc có thể sẽ không như kỳ vọng của cha mẹ. Bởi vì, không phải cứ nhồi nhét bao nhiêu chữ vào tâm trí trẻ thì các em sẽ tiếp nhận được bấy nhiêu. Kỳ thực, sự tiếp nhận còn bao hàm cả sự cảm nhận. Mà việc cảm nhận thì rất phong phú, đa dạng, tùy vào tư duy của mỗi trẻ. Có nhiều phương pháp để hỗ trợ trẻ cảm nhận tốt đối với chữ. Một trong số đó là tận dụng mối quan hệ giữa chữ với các loại hình nghệ thuật như hội họa, nhiếp ảnh, âm nhạc, điện ảnh… Nếu khéo léo triển khai theo hướng tích hợp, kết nối việc đọc với việc cảm nhận các loại hình nghệ thuật, cha mẹ sẽ giúp trẻ có thêm sự hứng thú đối với việc đọc. Từ đó, việc đọc cũng trở thành một cầu nối để trẻ tìm hiểu về các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Thế nên, cha mẹ hãy cho trẻ thưởng thức các bộ phim được chuyển thể từ những tác phẩm văn học mà các em đã đọc. Xem phim trước, đọc tác phẩm sau, hay đọc tác phẩm trước, xem phim sau là tùy thuộc vào ý muốn trải nghiệm của trẻ. Để tạo hứng thú, cha mẹ có thể thay đổi cách thực hiện tùy theo từng tác phẩm. Hoặc cha mẹ chủ động quan sát, xem sau vài lần triển khai, với cách nào thì trẻ sẽ tiếp thu tốt, cảm nhận tốt hơn thì ưu tiên thực hiện theo cách đó. Ví dụ, có những ca khúc được lấy cảm hứng từ một quyển sách nào đó, cha mẹ hãy giúp trẻ tìm hiểu để tìm ra sự liên quan của văn bản nhiều ý nghĩa này; hoặc trong sách có nhắc đến một bản nhạc nhằm khắc họa tâm lý nhân vật hay gửi gắm một thông điệp về tình huống, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ tìm nghe các bản nhạc được nhắc đến để hiểu rõ thêm về chân dung, tính cách nhân vật hay những điều tác giả muốn nhắn gửi đằng sau tình huống truyện… Nhận thức được tầm quan trọng và tính hiệu quả trong việc kết nối giữa chữ với các loại hình nghệ thuật, nhiều tác giả đã chủ động mở rộng không gian của trang sách, mở rộng chiều kích biên độ của chữ. Dòng sách tranh là một ví dụ như thế. Thông qua hội họa, tác giả mong muốn đem đến cho người đọc một trải nghiệm khác cùng chữ, có thể kể đến các tác phẩm: Hòn đá xanh; Nàng rẽ trái, chàng rẽ phải; Vầng trăng quên lãng… của tác giả người Đài Loan Jimmy Liao. Trẻ có thể thỏa sức chìm đắm giữa những bức tranh màu sắc đầy sáng tạo, xen kẽ cùng những dòng chữ thì thầm bên tai về những câu chuyện cuộc sống. Cùng thể loại này, còn có hàng loạt các sách như: Cá Hồi (của Ahn Do-hyun), Cá Voi đỉnh núi (của Lee Soon-won)…

Rõ ràng, thực hành khuyến đọc cho trẻ, nếu chỉ dừng lại ở hành động đọc thì quá trình đọc sẽ trở nên khô cứng, khó tiếp nhận. Để thúc đẩy cảm nhận của trẻ với việc đọc, rất cần đa dạng hóa các quá trình tiếp nhận. Trong đó, xây dựng các mô hình cảm nhận dựa trên mối quan hệ giữa chữ và các lĩnh vực nghệ thuật có thể xem là một giải pháp mang lại nhiều hiệu quả tích cực, đáng để phụ huynh quan tâm và triển khai thực hiện.

Trn Xuân Tiến

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)