Tuổi cao sức yếu, tham gia nhiều hoạt động ở địa phương nhưng người cựu chiến binh (CCB) này vẫn âm thầm tích cực làm việc thiện. Ông là Khuất Đình Hùng – BCH Hội CCB P.Tăng Nhơn Phú B, Q.9, TP.HCM.
Ông Hùng (thứ hai từ phải sang) cùng đồng đội cũ thuộc Hội Cựu chiến binh P.Tăng Nhơn Phú B
Khi trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Văn Hồ – hội viên Hội Người cao tuổi P.Tăng Nhơn Phú B – khẳng định: “Không thể kể hết số hộ gia đình, số người và cả số tiền, quà mà ông Khuất Đình Hùng đã giúp đỡ trong thời gian qua tại địa phương mà ông đang sinh sống”.
Dù tham gia công tác từ thiện nhiều năm liên tục thế nhưng ông Khuất Đình Hùng lại làm việc một cách âm thầm, không muốn ai nhắc đến mình. Ông Đào Văn Long – nhà giáo về hưu – cho biết, chỉ riêng Tết Kỷ Hợi năm 2019, ông Khuất Đình Hùng đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để có hơn 50 phần quà tặng bà con nghèo trong khu phố. Tuy giá trị quà cho từng nhà không lớn lao nhưng đối với những người nghèo đây chính là ngọn lửa yêu thương được chia sẻ từ một trái tim nhân ái mà ông Hùng đã mang đến cho họ. Năm 2018, kỷ niệm tròn 50 năm Đoàn 308 thuộc Trung đoàn 52, Sư đoàn 320 vào Nam chiến đấu, trong niềm vui gặp gỡ đồng đội, ông đã bỏ ra 20 triệu đồng để góp thêm quỹ thăm hỏi, họp mặt anh em như một lời đoàn kết, thân ái mà sau bao nhiêu năm kẻ còn người mất mới được trùng phùng.
Năm nay dù bận rất nhiều việc nhưng người CCB này vẫn “xông pha” trên mọi mặt trận mới với tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Vậy mà ông vui, ông phấn khởi, sức khỏe ngày một tốt hơn.
55 năm về trước, khi đang là một công nhân trẻ của công trình xây dựng số 2, chàng trai Khuất Đình Hùng đành tạm xa quê hương Sơn Tây để đứng vào hàng ngũ quân đội trong những ngày Mỹ leo thang ra miền Bắc. 23 tuổi, với sức vóc cường tráng ông trở thành tân binh Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 52. Vác ba lô lên vai, ông cùng đồng đội nối dài đường hành quân vào tận chiến trường miền Đông Nam bộ. 10 năm đóng quân ở Củ Chi, Đoàn hậu cần 235 thuộc Cục Hậu cần miền Đông đã làm tròn vai người hậu phương tiếp ứng lương thực, quân trang cho hàng trăm trận đánh.
Các bác, các cô trong Hội CCB đều khẳng định, ông Hùng không phải thuộc diện gia đình giàu có, ngoài đồng lương hưu đủ sống, ông chỉ có kinh doanh nhà trọ từ mảnh đất rộng được cấp sau khi giải ngũ. Thế nhưng nhìn học sinh đi bộ đến trường ông không thể yên lòng. Hàng chục chiếc xe đạp từ tấm lòng người lính già đã có tiếp thêm sức mạnh cho đôi chân đến lớp. Khi nghe tin bà Lê Thị Ba, câm điếc sống cô đơn, bị lừa mất cả nhà phải đi ở trọ hay những đứa trẻ thiểu năng học trường chuyên biệt ông cũng tìm cách chia sẻ ngay. Dù không theo nhà Phật nhưng mỗi năm ông gửi hàng trăm ký gạo cho các phật tử ở địa phương và cả ngôi chùa ngoài quê Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội. Ông coi mọi người như cháu con, máu thịt của mình.
Tính từ ngày nghỉ hưu năm 1986 đến nay đã hơn 30 năm, ông Khuất Đình Hùng vẫn tiếp tục song hành cùng với những mảnh đời nghèo khó. Không những không phản đối mà vợ ông và các con từ dâu tới rể đều ủng hộ việc làm của ông. Như trăm suối nhỏ đổ về sông, đây cũng chính là điều may mắn khi ông trải rộng tấm lòng của mình đến với mọi hoàn cảnh để nhận lấy sự quý trọng của mọi người.
Phương Đăng
Bình luận (0)