Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tuổi 18!

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm gần đây, đa phần các trường THPT, nhất là ở TP.HCM đều tổ chức lễ “tri ân và trưởng thành” cho học sinh lớp 12. Buổi lễ đem đến những giá trị rất ý nghĩa đối với người tri ân và người được tri ân. Nhiều bài phát biểu của học sinh đã lay động trái tim của đấng sinh thành, thầy cô…

Vừa qua, trong buổi lễ “tri ân và trưởng thành” tại trường N., một em học sinh đã gửi những thông điệp quý báu cho các bạn học cùng khối 12: “18 tuổi bạn đã làm được gì? Đã bao giờ bạn thử nhìn về phía sau để xem mình đã làm được gì hay chưa? Cuộc sống của mỗi người như một cuốn phim mà đôi khi chúng ta cần xem lại để cảm nhận và rút ra cho mình bài học cho tương lai. Những thơ ngây của ngày hôm qua cho chúng ta những ký ức đẹp về những ngày tháng còn là một cô bé, cậu bé hồn nhiên quấn quýt bên mẹ để vòi vĩnh một chiếc kẹo hay một quả bóng. Khi được chiều thì tíu tít như một chú chim; còn khi bị ba mẹ la mắng thì lại mít ướt, cố khóc thật to để mong được dỗ dành. Nhưng ở tuổi 18, bạn không thể òa lên nức nở khi buồn, khi gục ngã, khi cô đơn mà tự bản thân chúng ta phải che đi những cảm xúc chính mình bằng một nụ cười. Cười để mọi người tin mình vẫn ổn, cười để tự động viên bản thân mình và cười để vượt qua tất cả. Lúc bé chúng ta sợ nhất là cây roi của ba khi ta không ngoan. Nhưng ở tuổi 18, chúng ta phải hiểu ở ngoài kia cuộc sống sẽ có nhiều thứ khiến mình đau hơn đòn roi của ba, không có lời dỗ dành ngọt ngào như của mẹ. Và cũng sẽ không còn những nông nổi của tuổi mới lớn 15, 16 luôn cho mình là đúng. Tuổi 18 dường như chúng ta vẫn muốn khẳng định mình nhưng trầm lắng hơn, trưởng thành hơn…

18 năm không phải là quá ngắn để nhìn nhận cuộc sống nhưng cũng không đủ dài để hiểu hết về cuộc đời. Đối với chúng ta, tuổi 18 là cột mốc quan trọng đầu tiên của cuộc đời mình. Tuổi 18 chúng ta không nhìn cuộc sống dưới lăng kính màu hồng như trước đây, chúng ta trưởng thành hơn, thấy mình có trách nhiệm hơn với bản thân, với gia đình và xã hội. Tuổi 18, tuổi của mùa thi cử, tuổi của bước ngoặt đầu đời cho tương lai chúng ta. Nhìn về quãng đường còn dài ở phía trước, đôi lúc chúng ta lo cho tương lai của bản thân. Chúng ta nghĩ về gia đình, về chính mình và về con đường còn dài ở phía trước. Biết sẽ không có con đường nào bằng phẳng, trải hoa hồng đợi chúng ta mà con đường tôi và bạn đang đi sẽ lắm khó khăn và chông gai buộc chúng ta phải vượt qua để mạnh mẽ bước tới… Hãy sống sao cho thật ý nghĩa như nhân vật Pavel trong Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Nikolai Ostrovsky, là một thanh niên đã được tôi luyện, được nung rèn của lửa cách mạng và đã vượt qua nhiều khó khăn, cam go, khổ cực. Anh đã để lại câu nói nổi tiếng: “Cái quý giá nhất của con người là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí…”.

Có thể nói, tuổi trẻ là giai đoạn đẹp nhất của đời người: sức khỏe sung mãn, trí tuệ sáng suốt, giàu ước mơ, khát vọng để thực hiện lí tưởng. Ở bất cứ thời đại nào, tuổi trẻ luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng (rường cột) của đất nước trong mọi lĩnh vực. Bởi vậy, việc tổ chức “Lễ tri ân và trưởng thành” đối với học sinh lớp 12 là điều rất cần thiết. Bởi sự tri ân ấy có ý nghĩa giáo dục rất lớn, rất thiết thực cho học sinh chuẩn bị hành trang vào đời – đánh dấu một chặng đường mới cho các em.

Thái Hoàng
(Giáo viên Trường THCS-
THPT Bác Ái, TP.HCM)

Bình luận (0)