Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đưa gì vào sách giáo khoa ngữ văn mới?: Thêm phần văn học thời kỳ đổi mới

Tạp Chí Giáo Dục

Trong chương trình Văn học dân gian lớp 10 có một số truyện cổ quen thuộc đã học ở lớp dưới nên các em học sinh thấy nhàm chán không hấp dẫn và người dạy cũng không hào hứng. Khi dạy những tác phẩm này, giáo viên chủ yếu cho học sinh đánh giá kết cục câu chuyện qua cách xử lý của tác giả dân gian với nhiều tranh cãi khác nhau. Phần Tục ngữ, theo tôi đã học ở lớp dưới rồi thì cũng không nên nhắc lại. Trong khi đó các tác phẩm thuộc thể loại trường ca tuy xa lạ nhưng nếu biết phương pháp dạy thì mới gây hứng thú cho người học. Vì thế đây là những tác phẩm khó “nuốt” với cả hai đối tượng giáo viên và học sinh. Phần Văn học cận đại trong chương trình lớp 11 có những tác phẩm tiêu biểu như Lục Vân Tiên, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu) thì không thể bỏ được. Riêng bài thơ Lẽ ghét thương (Nguyễn Đình Chiểu) tuy cách xa về mặt lịch sử nhưng lại gần gũi với thế thái nhân tình thời hiện đại nên dễ liên hệ thực tế cuộc sống. Tương tự, những tác phẩm như Truyện Kiều (Nguyễn Du), Cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi) được coi là tác phẩm kinh điển thì không thể nào bỏ ra chương trình được. Những tác phẩm xuất sắc giai đoạn 1930-1945 (Vợ nhặt, Tây Tiến), thời chống Pháp  (Vợ chồng A Phủ), giai đoạn chống Mỹ (Đất nước, Sóng) cũng cần phải giữ lại bởi giá trị nghệ thuật và tính tiêu biểu của thời đại.

Tôi cũng đồng ý hai tác phẩm có cùng thể loại tùy bút (Người lái đò sông Đà) và bút ký (Ai đã đặt tên cho dòng sông?) thì chỉ chọn một tác phẩm để giảng dạy là đủ rồi. Tuy nhiên, phần văn học thời kỳ đổi mới còn quá ít nên thêm một vài tác phẩm giống như Chiếc thuyền ngoài xa, Hồn Trương Ba da hàng thịt. Có như vậy văn chương mới gần gũi với cuộc sống hơn.

Nguyễn Thị Thanh Bình
(Giáo viên môn văn Trường THPT
Giồng Ông Tố, TP.HCM)

Bình luận (0)