Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Phản hồi bài Chuyện về 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp… (ngày 1-6): Muốn có việc phải… có tiền

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày trước, trở thành một sinh viên là khát khao lớn của bất kỳ học sinh nào. Đậu vào trường ĐH, nhất là các trường danh tiếng không chỉ là niềm tự hào của bản thân mà còn là niềm vinh dự của gia đình, của dòng họ và của cả xóm giềng. Dù khó khăn đến đâu, cực khổ đến mấy, cha mẹ cũng không quản ngại để nuôi con ăn học thành tài. Thế nhưng khi ra trường có em không kiếm nổi việc làm, dù một “chức vụ nho nhỏ” bằng lao động trí óc khiến cho bản thân người trong cuộc chênh vênh trong cuộc sống.

Ở làng tôi có một gia đình khá đông anh em. Khi có ba chị em lần lượt đậu vào ĐH, đó là sự hãnh diện của gia đình. Những năm 90 của thế kỷ trước, để trở thành sinh viên ĐH đâu dễ dàng như những năm gần đây. Một người học ĐH là niềm vinh dự lớn, nói chi gia đình có đến ba người con cùng học ĐH. Điều đáng buồn là cả ba chị em đều “gói bằng cử nhân vào tủ” để đi làm lao động chân tay. Muốn lao động trí óc (dù trái với ngành học) cũng phải nhờ vả người quen. Mà muốn có chỗ đứng ấy (cũng có trường hợp chỗ đứng bấp bênh) thì phải chi ra một khoản tiền lớn. Tấm bằng ĐH lúc đó chẳng có ý nghĩa gì! Bởi số tiền nuôi ba chị em học ĐH đã “vắt kiệt” sức lực và tiền bạc của gia đình, còn đâu nữa mà chạy với chọt.

Cách đây vài năm, khi cô con gái đầu lòng trở thành sinh viên, anh chị họ tôi lại quần quật làm việc không chỉ nuôi con ăn học mà còn phải lo tiền “chạy” cho con có công ăn việc làm. Trước tình trạng ở quê nhan nhản cử nhân không có việc làm: người thì quay về với nghề nông, người thì làm phụ hồ, người thì đi làm công nhân… thì anh chị chuẩn bị tinh thần trước cũng là điều dễ hiểu. Dù quan điểm của tôi không giống anh chị, thậm chí là trái ngược nhưng tôi không bày tỏ. Nếu tôi có nói ra thì cũng chẳng ích gì, vì việc “chạy chọt” để con có công ăn việc làm đã trở thành “nếp” không chỉ ở quê tôi mà phổ biến ở nhiều nơi.

Vào được ĐH đã khó, ra trường đi xin việc lại càng khó hơn. Đó là một thực tế hiện nay và cũng là nỗi lo của tất cả sinh viên đang chuẩn bị ra trường.

Hoàng Thái

Bình luận (0)