Ngư dân khi cùng các phương tiện tàu bè xuất bến qua Trạm kiểm soát Biên phòng Mân Quang, Đồn Biên phòng Sơn Trà (Bộ đội biên phòng Đà Nẵng) phải trình phiếu đã nộp… rác tại Ban quản lý Âu thuyền, cảng cá Thọ Quang mới được nhận giấy xuất bến ra khơi. Cách làm tưởng chừng đơn giản nhưng mang lại hiệu quả về việc giải bài toán bảo vệ môi trường ở Âu thuyền, cảng cá Thọ Quang từng là trăn trở nhiều năm nay…
“Điểm nóng” ô nhiễm kéo dài
Không phải đến bây giờ câu chuyện về ô nhiễm môi trường ở Âu thuyền, cảng cá Thọ Quang mới được biết đến. Từ nhiều năm trước, nơi này từng là một trong những “điểm nóng” được nhắc đến ở nhiều cuộc họp liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường. Nguyên nhân gây ô nhiễm có rất nhiều, cả chủ quan lẫn khách quan. Được thiết kế với công suất 400 tàu nhưng có nhiều thời điểm âu thuyền này tiếp nhận hơn 1.000 chiếc tàu, thuyền vào trú tránh, bán hải sản, nhất là vào mùa mưa bão. Điều này khiến khu neo đậu trở nên quá tải. Tàu thuyền đông kéo theo các hoạt động sinh hoạt của ngư dân khiến lượng rác thải xả ra không hề nhỏ. Đó là chưa kể một lượng rác thải khác từ chợ hải sản, các xưởng đóng tàu và khu dân cư xung quanh âu thuyền đổ xuống biến nơi này trở thành điểm “nhận” rác bất đắc dĩ. Trung tá Nguyễn Viết Quý – Tổ trưởng Tổ công tác biên phòng cảng cá Thọ Quang (Đồn Biên phòng Sơn Trà) cho biết, trước đây, rác ứ đọng lại âu thuyền rất nhiều, bo bo của lực lượng làm nhiệm vụ chạy trong âu thuyền tầm chục phút là phải dừng lại để tháo rác vướng vào chân vịt. Rác nhiều gây ra mùi hôi rất khó chịu, màu nước luôn trong tình trạng xanh rêu.
Điều đáng nói, hành vi xả rác vô ý thức này lại khó kiểm soát, nguyên nhân do Âu thuyền, cảng cá Thọ Quang tập trung nhiều người làm việc, sinh hoạt nhưng lại không có hàng rào cứng để ngăn chặn các hành vi xả thải. Theo ông Phạm Thành Trung – Phó Trưởng ban quản lý Âu thuyền, cảng cá Thọ Quang, mỗi năm đơn vị này thu gom khoảng 1.700 tấn rác thải, nhưng chỉ xử lý được một phần.
Để xử lý tình trạng ô nhiễm kể trên, Sở TN&MT thành phố Đà Nẵng đã có nhiều giải pháp. Mới đây nhất, chính quyền thành phố đã có chủ trương xã hội hóa, giao đơn vị đủ năng lực thu gom rác để cải thiện môi trường ở Âu thuyền, cảng cá Thọ Quang. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội – chi nhánh miền Trung. Việc thực hiện diễn ra trong vòng 3 tháng (từ tháng 2 đến tháng 5-2021) với kinh phí 1 tỷ đồng để thu gom khoảng 700 tấn rác thải và vớt rác trên mặt nước.
Các chiến sĩ Tổ công tác biên phòng Âu thuyền, cảng cá Thọ Quang vận động ngư dân ký cam kết thu gom rác thải bảo vệ môi trường
Nằm trong kế hoạch bảo vệ môi trường lâu dài, năm 2020, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã ban hành kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường tại Âu thuyền, cảng cá Thọ Quang giai đoạn 2020-2025 với tổng kinh phí hơn 27 tỷ đồng, trích từ ngân sách thành phố. Theo đó đến năm 2022, các cơ quan liên quan sẽ thực hiện hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật như: hệ thống thu gom nước mưa, nước thải riêng biệt vào khu vực cầu cảng và khu chợ cá đầu mối, xây dựng, cải tạo và vận hành hệ thống xử lý nước thải tại khu dịch vụ và chợ cá đầu mối. Đồng thời, giao UBND quận Sơn Trà thực hiện lắp 4-6 camera dọc tuyến được Chu Huy Mân đến phía tây âu thuyền để giám sát, nhắc nhở hành vi xả thải và xử lý vi phạm nếu phát hiện. Bên cạnh đó, Ban quản lý Âu thuyền, cảng cá Thọ Quang cũng phối hợp với Trạm biên phòng Sơn Trà lắp đặt trạm kiểm soát thông thuyền tại cửa thông của âu thuyền để kiểm soát tàu tuân thủ về chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt.
Vì một âu thuyền, cảng cá không ô nhiễm
Trở về sau chuyến biển dài ngày, ông Nguyễn Văn Nuôi, chủ tàu ĐNa90586TS cùng 6 thuyền viên mang theo những túi rác to lên bờ để cân nộp cho lực lượng thu gom. Ông Nuôi nói: “Đây là số rác trong thời gian tàu đánh bắt trên biển. Được các chú bộ đội tuyên truyền về tác hại của việc xả rác ra môi trường, nhất là môi trường biển nên bây giờ chúng tôi tự thu gom rác của mình, không vứt xuống biển để tránh làm ô nhiễm đại dương. Nếu mỗi người cứ vứt rác xuống biển thì cá tôm không còn chỗ sinh sống, mỗi mùa bão đến rác lại tấp vào bờ càng gây thêm ô nhiễm”.
Các chiến sĩ biên phòng hướng dẫn ngư dân tập kết rác đúng nơi quy định
“Nhà làm việc của chúng tôi ngay cạnh âu thuyền, trước đây không mở được cửa vì mùi hôi xộc vào. Nay thì đã mở được vì mùi hôi đã hạn chế rất nhiều rồi. Các con đường xung quanh âu thuyền cũng không còn nhếch nhác rác thải nữa. Nếu địa phương xây bể nước ngọt tại âu thuyền, cảng cá để đổi rác lấy nước ngọt thì có lẽ ngư dân sẽ hưởng ứng tích cực hơn”, Thiếu tá Nguyễn Duy Linh nêu ý tưởng. |
Không riêng lão ngư Nguyễn Văn Nuôi, hơn 1 tháng nay, các ngư dân khi rời Âu thuyền, cảng cá Thọ Quang hoặc đi biển trở về đều thu gom rác vào túi, đưa đến lực lượng cân, thu gom và cấp phiếu chứng nhận đã nộp rác. Những tờ phiếu chứng nhận là “bảo bối” để ngư dân trình Trạm kiểm soát Biên phòng Mân Quang, xuất bến ra khơi.
Với các chiến sĩ Tổ công tác biên phòng cảng cá Thọ Quang, mỗi ngày của họ chia làm 3 ca trực, rơi vào các mốc thời gian cao điểm diễn ra phiên chợ hải sản từ 7 giờ 30 đến 10 giờ, từ 12 giờ đến 17 giờ và từ 23 giờ 30 đến 4 giờ sáng hôm sau. Ngoài việc đảm bảo, giữ gìn an ninh trật tự, các chiến sĩ biên phòng còn tuyên truyền, vận động, giám sát việc xả thải trái quy định trong âu thuyền, cảng cá. Trung tá Nguyễn Viết Quý cho biết, việc giám sát xử lý vi phạm thông qua công tác tuần tra, kiểm sát và qua màn hình các camera giám sát xử phạt nguội. Đã có trường hợp bị xử phạt 1,5 triệu đồng do xả thải trái quy định.
Nhờ thắt chặt công tác giữ gìn vệ sinh môi trường nên thời gian gần đây môi trường ở Âu thuyền, cảng cá Thọ Quang được cải thiện.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)