Trong giới lồng tiếng phim TVB, Bích Ngọc được xem là 'kỳ nữ' bởi giọng nữ đã hiếm mà bà còn có thể giả giọng từ người già đến trẻ em. Những năm 90, giọng của bà 'phủ sóng' khắp các phim bộ Hồng Kông.
Ít ai biết rằng câu mở đầu quen thuộc trong những cuốn phim TVB chính là giọng đọc của Bích Ngọc: "Sài Gòn phim dịch và lồng tiếng, FaFilm Việt Nam phát hành, bộ phim… Người dịch Trung Hào Hoa, Đỗ Thanh Thiện. Diễn viên lồng tiếng Thế Thanh, Bích Ngọc, Thanh Phúc, Huỳnh Hoa, Thế Phương, Nguyễn Vinh, Bá Nghị, Thu Hương. Kỹ thuật lồng tiếng Thanh Vân, Phương Quỳnh".
Với giọng nói êm như ru, giọng của Bích Ngọc "phủ sóng" khắp phim bộ Hồng Kông những năm 90. Bà cũng chính là người đã thổi hồn cho các vai diễn của Tuyên Huyên (Xin chào thầy, Mỹ vị thiên vương, Chú chó thông minh), Châu Hải My (Mối tình nồng thắm, Tình yêu là mù quáng), Trần Tú Văn (Hồ sơ công lý, 40 tuổi đời một mái ấm), Ôn Bích Hà (Mối hận Kim Bình, Tây Du Ký, Đắc Kỷ Trụ Vương)…
Một điều ít ai biết nữa, Bích Ngọc chính là vợ của diễn viên Công Hậu. Do diễn viên lồng tiếng ít khi lộ diện trước khán giả nên người ta vẫn biết đến ông xã Công Hậu nhiều hơn…
Chuyện bây giờ mới kể…
Bích Ngọc xuất thân là diễn viên trong đoàn kịch nói Kim Cương. Với vẻ đẹp mặn mà, giọng nói như rót mật vào tai, bà từng đảm nhận khá nhiều vai diễn quan trọng trong đoàn.
Những năm 90, sân khấu rơi vào tình trạng ế ẩm, phim bộ lên ngôi, đặc biệt là những bộ phim có sự tham gia của diễn viên Lương Triều Vỹ như Hiệp khách thành, Song hùng kỳ hiệp… Chính vì thế, khi hãng phim TVB của Hồng Kông sang Việt Nam mở khóa đào tạo diễn viên lồng tiếng, nhiều diễn viên kịch nói quyết định thử sức, trong đó có Bích Ngọc, Phương Linh, Quốc Thảo…
Riêng Bích Ngọc ngay ngày đầu tiên thi tuyển vào đã được thầy dạy lồng tiếng cho đi thử việc. "Tôi nhớ lần đầu tiên thử giọng là lồng tiếng cho một nữ diễn viên đóng cặp với Quách Phú Thành. Cô ấy khóc, tôi cũng khóc theo, nước mắt, nước mũi tèm lem. Thử xong, thầy nói ngày mai tôi có thể đi làm luôn. Vậy là từ đó tôi vừa học vừa làm", Bích Ngọc kể.
Đối với phim bộ, các diễn viên phải vừa lồng tiếng cho vai chính, thứ chính và cả những vai quần chúng. Phòng lồng tiếng lúc bấy giờ chỉ có một micro treo tòng teng. Diễn viên lồng tiếng cho vai chính ngồi gần micro nhất, các diễn viên lồng tiếng quần chúng thì ở phía sau. Có lần, Bích Ngọc lồng vai quần chúng cho một bộ phim cổ trang, thấy trong phim có một chú chó chạy ngang, vậy là bà cao hứng thoại: "Phương ơi, kêu "con ki" đi về đi". Người thầy vội vàng "cắt" ngay vì phim cổ trang làm sao gọi là… "con ki".
"Buồn cười hơn là vì chiếc micro trong phòng lồng tiếng rất dễ hút tiếng động nên ai lỡ đang đói, bụng "đánh trống" là âm thanh cũng lọt vào luôn, phải cắt làm lại", Bích Ngọc bật mí.
Một trong những nhân vật đình đám mà bà từng lồng tiếng ở giai đoạn đầu chính là vai Cô Long (Lý Nhược Đồng) trong Thần điêu đại hiệp. Năm 1995, bộ phim truyền hình Thần điêu đại hiệp của hãng TVB, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Kim Dung, với sự tham gia của các diễn viên Cổ Thiên Lạc (Dương Quá), Lý Mạc Sầu (Tuyết Lê)… đã "làm mưa làm gió" tại Việt Nam. Tham gia lồng tiếng cùng Bích Ngọc trong bộ phim này còn có Thế Thanh, Thế Phương, Thanh Phúc, Nguyễn Vinh… Bích Ngọc kể: "Thời điểm đó, nhà nhà đều mở phim xem nên hễ ra đường là lại được nghe giọng của mình. Hạnh phúc không thể tả".
Hơn 20 năm trong nghề, Bích Ngọc từng "kinh" qua khá nhiều vai diễn nhưng gắn bó nhất vẫn là những diễn viên như Tuyên Huyên, Trần Tùng Linh, Ôn Bích Hà, Trần Tuệ San… "Bộ phim mà tôi thích nhất là Bốn mươi tuổi đời một mái ấm, Mối tình nồng thắm, Nghĩa hải hào tình… Thật ra, dòng phim TVB thì phim nào tôi cũng thích hết và những diễn viên mà mình đã lồng tiếng, mình đều đặt cảm xúc và tâm hồn mình vào nên vai diễn nào cũng là vai diễn tâm huyết cả", Bích Ngọc chia sẻ.
Nói về những vui buồn trong công việc, Bích Ngọc hồ hởi kể lại… "tai nạn nghề nghiệp": "Đó là những lần bị líu lưỡi hay nói láy một cách vô tình. Tôi còn nhớ trong một bộ phim, tôi lồng tiếng cho diễn viên Tăng Hoa Thiên, đến cảnh cô ấy bị hãm hiếp thì tôi la lên: "Mày mà tới đây, tao đập mày "quò giè" bây giờ". Lúc đó, tôi không hề biết mình lại nói chữ "què giò" thành "quò giè". Đến khi mọi người trong phòng thu nhắc thì mình mới phát hiện ra" (Cười).
Còn có chuyện, nhóm 9 người đang lồng tiếng ngon trớn, một người muốn đi "giải quyết" mà không sao lên tiếng được, đến lúc người này đỏ mặt tía tai, mọi người thấy vậy phải tạm ngừng cho đi ra ngoài giải quyết.
Đời thường của 'kỳ nữ" lồng tiếng
Hơn 20 năm gắn bó với công việc mà ban đầu tưởng chừng chỉ là "việc làm thêm" này, Bích Ngọc vẫn dành hết sự say mê cho từng vai diễn mà mình lồng tiếng. Giọng bà vẫn vậy, trong trẻo và quen thuộc đến mức vừa gặp bà, có cảm giác như cả tuổi thơ ùa về.
Thử theo dõi một buổi làm việc của "kỳ nữ" lồng tiếng, thật sự thán phục bởi năng lượng toát ra từ giọng nói và sự nhập vai của bà. Bích Ngọc có thể chuyển giọng rất linh hoạt. Một mình bà có thể lồng tiếng cho cả người già, thiếu nữ và trẻ em cùng lúc. Già thì phải hạ thấp và gằn giọng. Trẻ thì phải ngọt ngào, trong trẻo. Trẻ con thì giọng phải cao. Vậy mà, Bích Ngọc vẫn làm ngon ơ, thậm chí là khi các nhân vật trò chuyện với nhau, phải đổi giọng liên tục đến mức người ngoài đứng xem cũng thấy… căng thẳng.
"Lồng tiếng đòi hỏi phải nhập vai. Mình không diễn hình nhưng mình diễn giọng. Điều đó đòi hỏi mình phải đặt để rất nhiều cảm xúc vào giọng nói để có thể khóc cười cùng nhân vật. Có những vai diễn tôi hòa theo cảm xúc của nhân vật đến nỗi khi bước ra phòng thu, nước mắt, nước mũi tèm lem. Có lúc, vì quá nhập vai nên khi về đến nhà, tôi vẫn còn bị nhân vật ám ảnh, bị stress", Bích Ngọc cho biết.
Bích Ngọc kể thời trẻ bà còn tranh thủ đi diễn kịch nhưng sau khi có con thì phải nghỉ để lo cho các con, cũng là để chồng yên tâm đóng phim. Đến lúc các con lớn, vẫn một tay bà chăm sóc, đưa đón con đi học mỗi khi chồng đi diễn xa, vắng nhà.
Hai vợ chồng Bích Ngọc – Công Hậu đã có với nhau hai người con, trong đó cậu con trai lớn đã tốt nghiệp khoa Diễn viên Trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM và đang phấn đấu nối nghiệp ba mẹ. Hiện tại, ngoài công việc lồng tiếng, Bích Ngọc còn tham gia thuyết minh, đọc lời bình quảng cáo và thỉnh thoảng đóng phim. Dù công việc khá bận rộn nhưng khi về nhà, bà vẫn đảm đương tốt vai trò của một người phụ nữ trong gia đình.
Hằng ngày, sau giờ lồng tiếng, Bích Ngọc lại đi chợ, chuẩn bị bữa cơm cho gia đình và lo tươm tất những công việc trong nhà. "Ông xã tôi là diễn viên và cũng không phải kiểu "chồng chúa, vợ tôi" nên ảnh cũng chia sẻ với tôi rất nhiều trong công việc. Tối tối, hai vợ chồng lại cùng nhau xem phim. Anh ấy sẽ góp ý cho tôi chỗ nào tôi chưa được. Thấy tôi khan tiếng là ảnh lại đưa đi bác sĩ, mua thuốc cho uống. Nói chung, anh rất là quan tâm đến nghề nghiệp của tôi. Điều đó khiến tôi rất vững lòng để làm tốt công việc của mình", Bích Ngọc chia sẻ.
Thiên Hương/ TNO
Bình luận (0)