Trong chương trình khung môn ngữ văn bậc THCS do Bộ GD-ĐT ban hành, có một phần không thể thiếu dành cho ngữ văn địa phương. Điều này hết sức cần thiết vì mỗi vùng miền đều có những đặc trưng độc đáo để lại nhiều dấu ấn riêng trong văn chương của địa phương đó.
Trước đây có thể coi đây là “mảnh đất trống” chưa được ai khai phá lấp đầy. Gần đây đã có một số tỉnh/thành dám đi đầu trong việc biên soạn tài liệu và thực hiện giảng dạy chương trình ngữ văn địa phương theo chủ trương của Bộ GD-ĐT, tiêu biểu như Thanh Hóa, Lào Cai, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM…
Bước thử thách đầu tiên của người biên soạn chương trình là biết lựa chọn những kiến thức gì, tác giả nào, tác phẩm nào của văn học địa phương để đưa vào bài học cho phù hợp. Đây quả là điều không đơn giản đối với các nhà quản lý giáo dục, đội ngũ thầy cô giáo dạy môn ngữ văn trong trường THCS. Vì thế có thể nói cho đến nay, các cuốn sách giáo khoa ngữ văn địa phương chỉ mới dừng lại ở những thể nghiệm ban đầu hoặc lưu hành nội bộ chứ chưa dám “xuất đầu lộ diện” một cách thật tự tin.
Vừa qua, trăn trở với những khó khăn của các giáo viên ở TP.Vinh (Nghệ An) khi dạy phần văn học đặc thù này, nhà giáo Dương Xuân Hồng (một giáo viên dạy văn lâu năm và là một người có nhiều năm làm quản lý các trường THCS) đã biên soạn cuốn sách ngữ văn địa phương TP.Vinh (NXB ĐH Vinh ấn hành năm 2016).
Theo tác giả, phần văn học địa phương cần chọn những tác phẩm có tính tích cực, nhân văn. Các tác phẩm, tác giả địa phương phù hợp với tiến trình giai đoạn thời kỳ văn học của khung chương trình mà Bộ GD-ĐT đã ban hành cho các khối, đồng thời phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, tâm lý, nhận thức của học sinh. Phần Tiếng Việt chú ý một số đặc điểm lớp từ địa phương, cách sử dụng hiệu quả ngôn ngữ địa phương trong giao tiếp. Phần Làm văn sử dụng kiến thức làm văn đã học ở các khối vào việc tạo lập văn bản, các đề tài, chủ đề gắn với thực tiễn địa phương. Tuy nhiên, từ thực tiễn giảng dạy hầu hết giáo viên đều gặp khó khăn và thật sự lúng túng trong việc thực hiện, đặc biệt là vấn đề chương trình, nội dung, tài liệu dạy học.
Tất cả các tác phẩm địa phương đều được phân bổ đều cho 4 khối lớp (6, 7, 8, 9) phù hợp với trình độ và lứa tuổi của người học. Không chỉ hòa nhập dễ dàng với môi trường mình đang sống mà các em học sinh cũng biết rõ hơn nguồn gốc nơi chôn rau cắt rốn, thêm tự hào mảnh đất mình đã được sinh ra và có ý thức bảo vệ, giữ gìn các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương. Trong quá trình thay sách giáo khoa mới, Bộ GD-ĐT và các địa phương cũng cần phải quan tâm đến mảng văn học nhỏ bé nhưng không thiếu phần quan trọng và có ý nghĩa này.
Hoàng Ngọc Thái
Bình luận (0)