Giáo dục đạo đức học sinh (HS) nói chung và giáo dục HS chưa ngoan nói riêng là một quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch đến các em nhằm hình thành và bồi dưỡng về hành vi, thói quen tốt.
Những hoạt động ngoại khóa như thế này sẽ tạo sự thích thú để HS có cơ hội thể hiện sở trường của mình, tránh xa tệ nạn xã hội. Ảnh: N.Anh |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến HS chưa ngoan mà trước tiên là từ phía trường học. Mỗi lớp có một giáo viên (GV) chủ nhiệm nhưng thầy cô lại quá nhiều việc nên ít quan tâm tới HS của lớp mình, vì thế không kịp nhìn thấy và uốn nắn những sai phạm của các em. Trong khi GV bộ môn lại chưa có cái nhìn đúng đắn về HS chưa ngoan, thường né tránh và còn có khoảng cách khó gần với những em cá biệt. Trong lúc đó bạn bè cùng lớp, cùng trường lại tỏ ra khinh bỉ và khó chịu đối với các em chưa ngoan. Ban giám hiệu nhà trường đôi khi không quan tâm đến gia cảnh và nguyên nhân dẫn đến HS chưa ngoan nên vội quy chụp và sau đó đình chỉ học, đuổi học các em mà không biết nhà trường cũng có lỗi do thiếu quy chuẩn để quản lý các em vào khuôn phép.
Một nguyên nhân lớn là từ phía gia đình do cuộc sống kinh tế khó khăn, cha mẹ đi làm ăn xa hoặc mải mê kiếm sống nên ít có thời gian quan tâm, chăm sóc con cái. Tất cả giao hết trách nhiệm và đùn đẩy việc giáo dục đạo đức cho nhà trường. Một số phụ huynh hiếm con, gia đình khá giả lại nuông chiều con cái quá mức theo kiểu muốn gì được nấy nên dễ bị hư hỏng. Các gia đình khác lại có cha mẹ bất hòa, ly thân hoặc có gia đình khác nên thiếu quan tâm tới con cái. Số ít cha mẹ thường cãi vã và có hành vi, đối xử, ngôn từ không hay với ông bà, người lớn tuổi cũng là nguyên nhân dẫn đến các em học theo tập tính không tốt của cha mẹ. Không ít cha mẹ cho con cái tự do lên mạng để chơi game, vào các trang mạng bạo lực, khiêu dâm mà thiếu sự kiểm soát của người lớn. Trong lúc đó ở bên ngoài các em thường kết với bạn xấu trốn học đi chơi, vào quán net sau đó nhiễm thói hư tật xấu. Một số em tự kỷ, thích thể hiện cái tôi trước mọi người, làm nổi bật trước đám đông bằng mọi cách, nhất là khi cảm thấy mình bị thua thiệt. Có em lại bị những cú sốc tinh thần do dư luận xã hội dẫn đến chán nản, bỏ nhà đi bụi.
Giáo dục thế hệ trẻ là một quá trình thống nhất và liên tục được diễn ra trong gia đình, ngoài xã hội, trong nhà trường. |
Từ những nguyên nhân trên chúng ta phải có những giải pháp phù hợp để khắc phục tình trạng giáo dục HS chưa ngoan. Trước hết GV cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân và phân loại HS chưa ngoan theo những hình thức phù hợp nhất để dễ quản lý, dạy dỗ và rèn luyện. Nhà trường cần nắm rõ số lượng HS chưa ngoan của từng lớp, từng tuần để kiểm soát và có biện pháp tốt nhất nhằm giảm thiểu số lượng HS chậm tiến. Để kết hợp chặt chẽ ba môi trường giáo dục (nhà trường – gia đình – xã hội), cha mẹ cần quan tâm đến con cái mình hơn, không nên giao hết trách nhiệm cho trường, ỷ lại sự dạy bảo của thầy cô trên lớp. Các tổ chức Đoàn – Đội phải tạo nhiều sân chơi phù hợp và hấp dẫn cho tập thể tham gia, tạo sự thích thú để các em có cơ hội thể hiện sở trường của mình. GV chủ nhiệm phân công, giao nhiệm vụ cho cán bộ lớp quan tâm, chia sẻ gần gũi với các bạn chưa ngoan để cùng nhau tiến bộ. GV bộ môn cũng nên thường xuyên quan tâm, hỏi thăm và có những hoạt động tích cực tạo cho các em chưa ngoan có cơ hội, điều kiện thể hiện mình tốt như các bạn ngoan.
Có thể nói giáo dục thế hệ trẻ là một quá trình thống nhất và liên tục được diễn ra trong gia đình, ngoài xã hội, trong nhà trường. Cha mẹ luôn muốn con mình trở thành đứa con ngoan trước mặt mọi người. Đây cũng là điều mong mỏi của bất cứ thầy cô và bạn bè nào để có những học trò ngoan, có đạo đức và học giỏi để trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước.
TS. Nguyễn Công Hoan
(Trường ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM)
Bình luận (0)