Văn phòng Thành ủy TP.HCM vừa có văn bản truyền đạt kết luận của Thường trực Thành ủy yêu cầu kể từ năm học 2016-2017, các trường học ở 24 quận, huyện phải chấm dứt việc tổ chức học thêm, dạy thêm. TP chỉ cho phép tổ chức dạy thêm, học thêm tại các trung tâm ngoại ngữ, bồi dưỡng văn hóa ngoài nhà trường. Việc phụ đạo cho học sinh chưa theo kịp chương trình hay bồi dưỡng học sinh giỏi thuộc trách nhiệm của nhà trường và không được thu học phí.
Xóa dạy thêm trong nhà trường nhằm giảm áp lực học hành cho học sinh – vấn đề phụ huynh kêu ca bấy lâu nay – nên hầu hết phụ huynh đều đồng tình. Tuy nhiên, hiện đang có tranh cãi liệu đây có phải là một chủ trương đúng luật?
Trước hết, cần khẳng định rằng việc giáo viên dạy thêm là lao động nghề nghiệp chính đáng, không nên cấm đoán. Vấn đề là việc dạy thêm đó phải được thực hiện đúng quy định hiện hành.
Những năm gần đây, tình trạng dạy thêm, học thêm trong nhà trường rất phổ biến. Theo phản ánh của phụ huynh, cứ vào tháng 8 hàng năm, trước ngày khai giảng năm học mới cả tháng trời, học sinh phải đến trường để bắt đầu học chương trình mới. Rồi khi bước vào năm học chính thức, trong thời khóa biểu của học sinh (chủ yếu bậc trung học) đều có các giờ “tăng tiết” kéo dài đến cuối năm học. Điều đáng nói học phí tăng tiết cao gấp 5-7 lần học phí chính thức nên đây là nguồn thu không nhỏ của các trường. Cũng theo phụ huynh, giờ học tăng tiết được tổ chức theo đơn vị lớp học sinh đang học và không có gì khác biệt so với giờ học chính khóa (cũng có điểm danh, dò bài, cho điểm, học kiến thức mới…) nên dù học sinh không muốn học cũng không được vì sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập. Để hợp thức hóa việc dạy thêm đồng loạt và có phần mang tính ép buộc này, nhà trường yêu cầu phụ huynh ký vào phiếu “tự nguyện” đăng ký học thêm cho con em mình!
Rõ ràng việc tổ chức dạy thêm, học thêm như thế đã vi phạm các quy định hiện hành về dạy thêm, học thêm. Từ 1993, liên Bộ GD-ĐT – Tài chính ra Thông tư số 16/TT/LB hướng dẫn thực hiện Quyết định số 242-TTg ngày 24-5-1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc dạy thêm ngoài giờ của giáo viên các trường phổ thông công lập, trong đó quy định: Trong trường phổ thông công lập không được tổ chức dạy thêm đồng loạt. Nếu phải tổ chức dạy bù (để bảo đảm thực hiện đủ chương trình) thì các buổi dạy thêm đó không được thu tiền. Điều 75 Luật Giáo dục ghi rõ cấm nhà giáo có hành vi ép buộc học sinh học thêm để thu tiền. Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm cũng quy định: Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa. Thông tư này cũng nhấn mạnh không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.
Như vậy, chủ trương cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường là đúng quy định.
Mặt khác, theo định nghĩa của Luật Phòng, chống tham nhũng, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Còn theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International – TI), tham nhũng là lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân. TI cho rằng gọi đúng bản chất của việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường là hành vi tham nhũng và tình trạng này đang ngày càng nghiêm trọng.
Từ Nguyên Thạch
Bình luận (0)