Chiều 7/6, Cục Hàng không Việt Nam đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần vận chuyển quốc tế Hoàng Hà (Hoàng Hà International Logistic) cùng đại diện các cơ quan liên quan về việc hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu quả vải sang thị trường nước ngoài bằng đường hàng không.
Tại buổi làm việc, đại diện Công ty Hoàng Hà cho biết đang gặp vướng mắc trong việc đáp ứng đủ điều kiện kiểm dịch để xuất khẩu trái vải ra thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Australia.
Theo đại diện Công ty Hoàng Hà, để có thể xuất khẩu trái vải sang thị trường Australia, mặt hàng này phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật trong chiếu xạ khử trùng quả vải (bao gồm một chu trình khép kín từ khâu chiếu xạ quả vải, kiểm tra, giám sát an ninh, soi chiếu, đóng hộp, đưa vào container chuyên dụng, gắn tem kiểm định…) trước khi xuất quan, vận chuyển bằng đường hàng không. Như vậy, việc kiểm tra soi chiếu trái vải cần được thực hiện ngay tại địa điểm chiếu xạ, trước khi hàng được đóng vào container và niêm phong.
Do cơ sở chiếu xạ đầu tiên tại miền Bắc mới đi vào hoạt động nên công tác vận hành, phối hợp giám sát an ninh và soi chiếu hàng hóa trước khi thông quan đều chưa được xây dựng quy trình chuẩn.
Công ty Hoàng Hà đề nghị Cục Hàng không Việt Nam hỗ trợ cho phép phía đơn vị an ninh hàng không, cụ thể là đơn vị chịu trách nhiệm giám sát an ninh, soi chiếu hàng hóa cử đại diện tới thực hiện toàn bộ khâu soi chiếu và giám sát an ninh cho mặt hàng quả vải được thực hiện ngay tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật mà phía đối tác đặt ra.
Trả lời về vấn đề này, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh, việc kiểm tra hàng hóa cần máy móc và trang thiết bị hiện đại, đảm bảo các yêu cầu kiểm tra chặt chẽ theo thông lệ quốc tế và các quy định hiện hành.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Nhà ga hàng hóa Nội Bài được đầu tư cơ bản về hệ thống trang thiết bị hiện đại, nên việc kiểm tra soi chiếu sẽ chuẩn xác hơn nếu được thực hiện tại đây.
“Trung tâm chiếu xạ hiện quá mới, các điều kiện kiểm tra an ninh, an toàn đều thiếu cả về cơ sở và nhân viên, nên việc không thực hiện được ngay khâu kiểm tra, soi chiếu tại cơ sở này cần phải có thời gian để trang bị. Tôi e là trong mùa thu hoạch vải năm nay vẫn cần phải thực hiện tại Nhà ga hàng hóa Nội Bài thay vì tính toán tới phương án thực hiện tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội” – ông Phạm Tuấn Anh nói.
Ông Phạm Tuấn Anh cũng khẳng định, việc soi chiếu hàng hóa đựng trong container hoàn toàn có thể được thực hiện tại Nhà ga hàng hóa của Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ tạo điều kiện tốt nhất để vụ mùa vải năm nay được thông quan dễ dàng.
Trưởng phòng An ninh, Cục Hàng không Việt Nam cũng cho rằng, việc thực hiện soi chiếu và kiểm tra an ninh tại một cơ sở bên ngoài khu vực quy định là hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, theo vị này Công ty Hoàng Hà và đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cần sớm bàn bạc để đi đến thống nhất một quy trình chuẩn phù hợp cho việc thông quan mặt hàng trái vải trong mùa vụ năm nay.
Điều hành buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường khẳng định, cần phải tìm mọi biện pháp hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không, mùa vụ của trái vải rất ngắn, nếu không tập trung gỡ khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ khiến các doanh nghiệp mà cụ thể là những người nông dân không có đầu ra cho trái vải.
“Công tác soi chiếu cần thực hiện tại khu chiếu xạ, sau đó đóng container tại chỗ và dán tem chứ để mang tới nhà ga thì không còn gì để bàn nữa” – ông Cường nói. “Chúng ta cần phải nghiên cứu xem có làm luôn được không, không thể chờ doanh nghiệp tự mày mò xây dựng quy trình, như vậy rất mất thời gian."
Phó Cục trưởng Cục Hàng không trực tiếp giao nhiệm vụ cho Phòng An ninh, Cục Hàng không phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Công ty Hoàng Hà thực hiện việc tháo gỡ khó khăn nêu trên.
Liên quan tới chi phí lưu kho bãi, đại diện Công ty Hoàng Hà cho biết, giá thuê kho bãi tại các kho cảng hàng không đối với mặt hàng hoa quả tươi thường được áp phí cao vượt 30% so với các hàng hóa thông thường khác. Thậm chí, ngày cuối tuần tăng 10% và ngày lễ tăng đến 30%. Mức giá này là quá cao, gây khó với doanh nghiệp xuất khẩu.
Tương tự, đối với chi phí vận chuyển, phía Công ty Hoàng Hà cho rằng, mặc dù Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) với lợi thế nhiều tuyến bay thẳng tới các nước khác nhau trên thế giới nhưng giá cước của Vietnam Airlines hiện cao hơn giá cước của các hãng hàng không nước ngoài khác. Cụ thể, giá dành cho trái cây tươi áp cao hơn từ 30-40 cent/kg so với hàng thông thường. Riêng đối với trái vải, phí vận chuyển hiện lớn hơn lên tới 2 USD/kg.
Theo đại diện Công ty Hoàng Hà, Thái Lan là một trong những nước xuất khẩu trái cây rất nhiều nhưng đối với mặt hàng trái cây tươi, nước này chỉ áp giá cao hơn 10 cent so với hàng hóa thông thường.
Trái vải Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh rất gay gắt từ thị trường Thái Lan và Trung Quốc. Với đặc điểm khí hậu tại Trung Quốc, cây vải vào mùa cho trái sớm nên thời gian thu hoạch vải cũng sớm hơn Việt Nam khoảng 15 ngày, dẫn đến việc doanh nghiệp Trung Quốc đang có lợi thế trên thị trường xuất khẩu thế giới.
Là đại diện cho nhiều doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ nông sản Việt Nam trong công tác vận chuyển trái vải xuất khẩu ra thị trường các nước trên thế giới, Công ty Hoàng Hà đề nghị Cục Hàng không sớm xem xét và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tháo gỡ những khó khăn trong công tác vận chuyển và xuất khẩu hàng hóa bằng đường hàng không.
Lắng nghe kiến nghị của Công ty Hoàng Hà, Phó Cục trưởng Võ Huy Cường cho biết sẽ ban hành văn bản chỉ đạo tới tất các cả đơn vị do Cục Hàng không Việt Nam quản lý yêu cầu hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp xuất khẩu trái vải ra thị trường nước ngoài.
Riêng đối với Vietnam Airlines và các công ty kho bãi hoạt động tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cục Hàng không, yêu cầu cần nghiên cứu phương án giảm giá thành chi phí vận chuyển, lưu kho bãi cho các doanh nghiệp nông sản, sớm bàn bạc và lên phương án hợp lý nhất để hai bên doanh nghiệp cùng có lợi, đảm bảo vụ mùa năm nay, trái vải sẽ sớm được xuất khẩu ra thị trường thế giới, khẳng định thương hiệu đặc sản trái cây Việt Nam./.
Bình luận (0)