Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giá đất quá cao hạn chế phát triển nhà ở giá thấp

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là nhận định của TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tại buổi toạ đàm “Cơ hội mua nhà giá rẻ, mua nhà ở xã hội” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và báo Thanh tra tổ chức tại TPHCM sáng ngày 8-6 (ảnh). 

Lý giải việc thị trường bất động sản đang có dấu hiệu dư “cung” căn hộ cao cấp, lượng tồn kho của phân khúc này trong giai đoạn thị trường “đóng băng” vẫn chưa giải quyết hết nhưng các DN vẫn đổ xô vào xây dựng chung cư cao cấp trong khi thị trường luôn “khát” căn hộ giá thấp là do giá đất đô thị quá cao.

Với giá đất đô thị tại TPHCM rất cao như hiện nay, các DN chỉ có thể xây dựng các dự án nhà ở giá thấp ở khu vực ngoại thành, nếu muốn đầu tư phân khúc nhà này ở những khu đất gần một chút, DN sẽ không kham nổi giá đất nếu phải bán với giá vừa túi tiền của người dân thu nhập thấp. “Đó là những bất cập của chính sách trong việc phát triển nhà ở đô thị mà bao năm nay tôi rất trăn trở trong vai trò là Đại biểu Quốc hội. Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đã lấy hơi thở của thị trường bất động sản TPHCM để góp ý xây dựng Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản hiện nay nhưng thực tế hai luật này vẫn còn nhiều điểm bất cập và chưa hướng đến mục tiêu phát triển nhà ở giá thấp”- TS Trần Du Lịch bày tỏ.

Trong 5 năm tới, nhu cầu thị trường nhà ở giá thấp và nhà ở xã hội tại TPHCM rất lớn. Chưa kể nhu cầu về nhà ở hiện nay đã rất lớn, TP cũng đang triển khai 2 chương trình di dời nhà trên- ven kênh rạch và chung cư cũ (chưa kể chỉnh trang các khu ở chuột) sẽ tạo ra một thị trường mênh mông cho phân khúc nhà ở này. Vấn đề là TP cần có chính sách để thu hút các DN tham gia. Cơ quan Nhà nước chỉ cần có chính sách, tự các DN sẽ tham gia để tạo quỹ nhà ở đáp ứng nhu cầu ở cho người dân TP. “Để người dân thu nhập thấp, người nghèo tại đô thị có nhà ở, Nhà nước cần có những chính sách chứ không tạo điều kiện cho người dân sở hữu nhà ở. Chính vì thế, trong thời gian tới, TP cần tập trung chính vào việc đẩy mạnh phát triển nhà ở cho thuê đối với 10 đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội, còn lại chuyển sang nhà giá thấp”- TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Các chính sách cụ thể mà TS Trần Du Lịch đề nghị, gồm: Thời hạn vay kéo dài, lãi suất ưu đãi, cần thêm nhiều chính sách ưu đãi để DN tham gia, đối tượng mua nhà ở giá thấp trả góp được miễn thuế thu nhập đối với phần trả lãi vay…

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng, TP nên cho phép tại những khu vực ngoại thành có thể được quy hoạch khu dân cư hỗn hợp, vừa có nhà ở xã hội (được miễn tiền sử dụng đất, thuế GTGT 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, chủ đầu tư dự án và người mua được ưu đãi tín dụng) vừa có nhà ở thương mại "chuẩn thấp" có diện tích tối thiểu 25m²/căn hộ tương đương nhà ở xã hội (nhà ở thương mại phải nộp tiền sử dụng đất, thuế GTGT 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, không được ưu đãi tín dụng) để giải quyết nhu cầu nhà ở rất cấp bách và rất lớn của người thu nhập thấp đô thị và gần 3 triệu người nhập cư.

Ông Châu cũng nêu thực tế, trước đây, UBND TP cũng đã tiên phong trong việc cho phép các chủ nhà trọ trên địa bàn TP được xây dựng nhà cho công nhân, lao động thuê với diện tích mỗi phòng trọ ít nhất là 9m² (nếu không có nhà vệ sinh) và ít nhất 12m² (nếu có nhà vệ sinh trong phòng). Và thực tế đến nay, đã có khoảng 87% nhu cầu nhà trọ cho sinh viên, công nhân, lao động, người thu nhập thấp đô thị, người nhập cư do người dân tự giải quyết. 
 
Với những ý kiến băn khoăn về xây dựng các khu nhà ở chuẩn “chuẩn thấp” sẽ phát sinh những khu nhà ổ chuột, ông Châu cho rằng "chuẩn thấp" không có nghĩa là không có chuẩn, mà là lấy tiêu chuẩn nhà ở xã hội để thực hiện.

Theo ông Châu, để tránh trường hợp bị lạm dụng quy định này, TP cần có quy hoạch chi tiết tại từng quận, huyện để giải quyết nhu cầu về nhà ở chính đáng của cư dân. 

 Hạnh Nhung/ SGGP

Bình luận (0)