Dù đã được chú trọng phát triển mảng xanh, song so với mật độ dân cư hiện nay, TP.HCM vẫn đang thiếu cây xanh. Trong khi đó, hàng loạt cây xanh nhiều năm tuổi lại đang bị xâm hại nghiêm trọng.
Cây xanh chết hàng loạt trên đường Vạn Kiếp, Q.Bình Thạnh |
Thời gian qua, cây xanh tại TP.HCM liên tục chết bất thường khiến người dân hết sức bức xúc. Cơ quan chức năng cũng đã xác định nguyên nhân cây chết là do bị tưới hóa chất, tuy nhiên không thể xử lý một tổ chức, cá nhân nào bởi không bắt được quả tang.
Nhiều cây xanh bị tưới hóa chất
Ghi nhận của phóng viên, cây xanh chết với mật độ dày mà dư luận lên tiếng gần đây là khu vực cổng Sân bay Tân Sơn Nhất. Tại đây, có đến 6 cây xanh lần lượt khô héo, trụi lá ngay sau đó. “Thấy cây chết mà xót xa, nó khô dần từ lá đến cành”, ông Nguyễn Văn Hùng, tài xế taxi ở khu vực này cho biết. Được biết, số cây xanh chết nói trên là keo tây, được trồng cách đây khoảng 4 năm do Công ty TNHH MTV Cây xanh TP.HCM quản lý. Khi phát hiện cây chết bất thường, người dân đã báo với chính quyền địa phương cũng như đơn vị quản lý.
Nguyên Trưởng công an P.2, Q.Tân Bình, Thượng tá Phạm Công Nghĩa cho biết, 6 cây keo tây này trồng liền kề trên vỉa hè đường Trường Sơn phục vụ mảng xanh và tạo mỹ quan cửa ngõ Sân bay Tân Sơn Nhất. Số cây này đang trong thời kỳ phát triển tốt nhưng khoảng giữa tháng 3-2016, lá cây bị khô héo, và phát hiện có mùi hóa chất ở gốc cây sộc vào mũi.
Theo tìm hiểu của phóng viên, số cây xanh này nằm cách xa nhà dân, không ảnh hưởng tầm nhìn hay khó khăn khi ra vào. “Có thể nó che khuất biển quảng cáo của một số thương hiệu”, ông tài xế taxi gần đó đặt vấn đề. Cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân cây chết là do bị tưới hóa chất, song chưa có một tổ chức, cá nhân nào định tội danh.
Cây xanh bị chết trơ gốc, trơ cành diễn ra trên diện rộng mà cơ quan chức năng chưa thật sự rốt ráo vào cuộc. Cụ thể, tại đường Vạn Kiếp (P.3, Q.Bình Thạnh), hàng 3 cây liền kề đang xanh tốt bỗng dưng khô rụi khó hiểu. Bà Nguyễn Thị Mai, người dân ngụ tại đây quả quyết, cây đang phát triển tốt, chỉ sau một đêm là đổi màu. “Trước đó, khu vực này có một công trình xây dựng, có thể do ảnh hưởng từ nước xi măng từ đó”, bà Mai nghi vấn.
Tình trạng bê tông hóa gốc cây xanh vẫn tồn tại ở nhiều tuyến đường nội và ngoại thành. Đây cũng là nguyên nhân khiến cây xanh chết hàng loạt. Nhiều nơi cây xanh bị băm nát, chặt ngang thân có thể ngã đổ bất cứ lúc nào nên cơ quan quản lý phải tiến hành chặt bỏ.
Cổ thụ cũng… “khóc”
Đáng báo động là cây xanh bị đốn hạ trái phép, bị “bức tử” là cây nhiều năm tuổi. Một số nơi, cây xanh bị “xử” gọn trong đêm, kẻ xấu còn cho tái lập vỉa hè, xóa dấu tích. “Sáng nào tôi cũng quét rác ở vỉa hè. Hôm thấy lá cây nhiều quá, quét rồi 5 phút sau lại đầy gốc, nhìn lên thấy lá cây chuyển vàng, tôi có báo với chính quyền địa phương. Cây xanh có tội tình gì mà họ đổ hóa chất giết chết như thế”, bà Lan ngụ đường Hòa Hảo nói.
Phía trước trụ sở Liên đoàn Lao động TP.HCM, cây xà cừ cổ thụ hàng chục năm tuổi (mã số 10) cũng đã chết dần trước sự bất lực của cơ quan quản lý. Khi lá cây chuyển màu vàng, Sở GTVT TP.HCM đã có nhiều giải pháp nhằm “cứu” nhưng bất thành. Cơ quan chức năng phát hiện có mùi hóa chất lạ ở gốc và cũng kiểu “đầu độc” này, hai năm trước một cây xà cừ tương tự (mã số 10) cũng đã chết tức tưởi.
Trả lời báo chí, Trưởng phòng Quản lý cây xanh (Sở GTVT TP.HCM) Nguyễn Khắc Dũng, cho biết trong những năm gần đây, cây xanh bị “đầu độc” bằng hóa chất thường xuyên xảy ra, thậm chí có vụ đốn hạ sát gốc hoặc chặt ngang thân, cành lớn lúc nửa đêm.
Trước tình trạng cây xanh bị “bức tử”, UBND TP.HCM đã giao Công an TP.HCM phối hợp với Sở GTVT, UBND các quận, huyện và cơ quan có liên quan vào cuộc xác minh, điều tra nguyên nhân, đề xuất hướng xử lý nếu phát hiện vi phạm. Tuy nhiên, khó khăn trong công tác kiểm tra, xử phạt hiện nay là không bắt được quả tang, mặc dù chính quyền địa phương luôn chủ động.
Bài, ảnh: Trần Anh
Bình luận (0)